TRUYỀN THÔNG PHÁP LUẬT

https://truyenthongphapluat.com.vn


Luật gia ký hợp đồng dịch vụ pháp lý có bị "vô hiệu"?

Ngày càng có nhiều vụ tranh chấp vì ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với các cá nhân, tổ chức không phải là luật sư, công ty luật, văn phòng luật sư. Theo luật, khi nào hợp đồng dịch vụ pháp lý trong các trường hợp trên vô hiệu?
Luật gia ký hợp đồng dịch vụ pháp lý có bị "vô hiệu"?

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của ông Andrew Trung Le trong vụ đòi ông Phan Thanh Hải trả lại tiền dịch vụ pháp lý.

Kiện luật gia

Theo hồ sơ, tháng 2-2010, ông Andrew Trung Le ký hợp đồng ủy quyền cho ông Hải (luật gia) tham gia một vụ kiện đòi lại tài sản và chia thừa kế tại TAND tỉnh Đồng Nai (ông Andrew Trung Le là nguyên đơn). Thù lao thỏa thuận là 250 triệu đồng, ông Andrew Trung Le ứng trước cho ông Hải hơn 215 triệu đồng.

Sau khi TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm vụ kiện trên và chỉ giải quyết yêu cầu đòi lại tài sản của ông Andrew Trung Le, ông Andrew Trung Le cho rằng ông Hải đã vi phạm thỏa thuận với mình khi không yêu cầu tòa giải quyết cả phần chia thừa kế. Ngoài ra, trong các biên lai tạm ứng án phí mà ông Hải gửi cho ông có một cái ghi nộp gần 70 triệu đồng là giả mạo... Vì vậy, ông khởi kiện đòi ông Hải trả lại 215 triệu đồng tiền dịch vụ pháp lý đã nhận.

Tháng 10-2012, TAND tỉnh Đồng Nai đã xử sơ thẩm vụ kiện đòi lại tiền dịch vụ pháp lý này và bác yêu cầu của ông Andrew Trung Le. Theo tòa, ông Hải đã thực hiện đúng thỏa thuận với ông Andrew Trung Le khi tham gia tố tụng trong vụ kiện đòi lại tài sản và chia thừa kế. Trong vụ kiện này, việc TAND tỉnh Đồng Nai chỉ giải quyết yêu cầu đòi lại tài sản, không giải quyết yêu cầu chia thừa kế là dựa trên cơ sở pháp luật, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ông Hải nên ông Hải không có lỗi. Về biên lai án phí mà ông Andrew Trung Le cho là giả mạo, ông Hải cho biết mình chuyển nhầm, không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của ông Andrew Trung Le.

Ông Andrew Trung Le kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, luật sư của ông Andrew Trung Le cho rằng hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa hai bên vô hiệu. Bởi trong hợp đồng ông Hải ghi mình là luật gia trong khi điều lệ của Hội Luật gia Việt Nam không có điều nào cho phép luật gia ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng cả. Theo luật sư, chỉ có các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân mới được ký loại hợp đồng này.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định không có quy định nào cấm luật gia ký hợp đồng dịch vụ pháp lý nên bác lập luận của luật sư, giữ nguyên án sơ thẩm.

Kiện công ty

Trước đây, Công ty D. ủy quyền cho Công ty H. kiện một đối tác ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để đòi phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa và bồi thường thiệt hại. Công ty D. thỏa thuận trả thù lao cho Công ty H. 12.500 USD, ứng trước 9.500 USD.

Một năm sau, Trung tâm Trọng tài đã buộc đối tác phải trả cho Công ty D. hơn 25.000 USD. Sau đó Công ty H. yêu cầu Công ty D. thanh toán 3.000 USD thù lao còn lại. Đến lúc này, Công ty D. cho rằng Công ty H. không có chức năng kinh doanh dịch vụ pháp lý nên không trả, đồng thời khởi kiện yêu cầu TAND quận 11 (TP.HCM) tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu, buộc Công ty H. trả lại 9.500 USD đã ứng trước. Công ty H. thì phản tố đòi Công ty D. trả 3.000 USD còn lại...

Xử sơ thẩm, TAND quận 11 đã bác yêu cầu của Công ty D., buộc phải thanh toán cho Công ty H. 3.000 USD. Theo tòa, hợp đồng giữa hai bên đã hoàn thành nên hai bên phải tuân theo. Tuy nhiên, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM lại cho rằng hợp đồng giữa hai bên vô hiệu vì Công ty H. không có chức năng kinh doanh dịch vụ pháp lý. Từ đó tòa sửa án sơ thẩm, buộc Công ty H. hoàn trả thù lao đã nhận.

Sau khi bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm, Tòa Kinh tế TAND Tối cao nhận định việc cấp phúc thẩm xác định hợp đồng giữa hai bên vô hiệu là chính xác. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm buộc Công ty H. trả lại toàn bộ tiền dịch vụ đã nhận là chưa hợp lý. Bởi lẽ để có kết quả thắng kiện tại Trung tâm Trọng tài, Công ty H. đã phải bỏ ra những khoản chi phí nhất định… Do vậy, tòa hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để xét xử lại từ đầu.

Xử sơ thẩm lại, TAND quận 11 nhận định hợp đồng giữa hai bên vô hiệu nhưng trước khi ký hợp đồng, các bên đã thông tin, trao đổi với nhau rất rõ về ngành nghề nhưng vẫn đồng ý ký kết. Cả hai bên đều có lỗi nên phải tự chịu thiệt hại (nếu có). Tuy nhiên, tòa xét thấy nguyên đơn đã được hưởng lợi lớn trên thành quả lao động của bị đơn mà không phải chịu một khoản chi phí nào nên bác yêu cầu của nguyên đơn, buộc nguyên đơn tiếp tục trả số tiền thù lao còn thiếu.

Khi nào vô hiệu?

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, pháp luật cho phép các cá nhân đủ năng lực hành vi dân sự ủy quyền cho nhau thực hiện dịch vụ pháp lý như tham gia tố tụng. Do đó việc luật gia nhận ủy quyền, thực hiện dịch vụ pháp lý theo ủy quyền để lấy thù lao là không có gì sai.

Tuy nhiên, nếu bên nhận làm dịch vụ pháp lý là pháp nhân không có chức năng kinh doanh, thực hiện dịch vụ pháp lý thì hợp đồng sẽ vô hiệu bởi pháp nhân phải kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký trong giấy phép hoạt động.

Theo luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM - Hội Luật gia Việt Nam), các doanh nghiệp không phải là công ty luật hay văn phòng luật sư không nên nhận làm dịch vụ pháp lý theo ủy quyền. Bởi lẽ ngoài chuyện hợp đồng đương nhiên vô hiệu, doanh nghiệp còn khó chứng minh về việc đã tốn thời gian, công sức, chi phí thực hiện ủy quyền, nhất là trong trường hợp công việc ủy quyền không mang lại kết quả có lợi cho bên ủy quyền.

Đòi nợ giúp, được trả công gần 3,6 tỉ đồng

Năm 1993, Huyện ủy Tam Nông (Đồng Tháp) thỏa thuận với ông Lê Phú Dũng là nếu chịu toàn bộ chi phí cho huyện để kiện một công ty và đòi được nợ thì huyện sẽ trả thù lao 50% trên tổng số tiền thu được. Ông Dũng chấp nhận, bỏ chi phí, công sức đeo đuổi vụ kiện. Sau đó huyện Tam Nông thắng kiện, được trả nợ hơn 7,3 tỉ đồng nhưng không trả thù lao cho ông Dũng như thỏa thuận. Vì thế, ông Dũng khởi kiện đòi Huyện ủy cùng UBND huyện này phải trả cho ông gần 5,8 tỉ đồng.

Năm 2010, TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của ông Dũng. Tòa cho rằng thỏa thuận trên trái pháp luật, Huyện ủy và UBND huyện là cơ quan nhà nước, không thể có việc thuê mướn người khác đi khởi kiện thay...

 Ông Dũng kháng cáo. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định việc ông bỏ chi phí, công sức đeo đuổi vụ kiện giúp thu hồi tiền nợ cho huyện Tam Nông là có thật. Phán quyết của cấp sơ thẩm đã không tôn trọng thỏa thuận của đôi bên, gây thiệt hại cho ông Dũng. Từ đó tòa sửa án sơ thẩm, buộc Huyện ủy cùng UBND huyện Tam Nông phải trả cho ông Dũng gần 3,6 tỉ đồng.

Tác giả: Admin, CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Nguồn tin: www.luatdaiviet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây