TRUYỀN THÔNG PHÁP LUẬT

https://truyenthongphapluat.com.vn


53 doanh nghiệp cung cấp phân bón kém chất lượng bị xử phạt

Cục Bảo vệ thực vật vừa xử phạt vi phạm hành chính 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể nhập khẩu, sản xuất, bán phân bón kém chất lượng.
53 doanh nghiệp cung cấp phân bón kém chất lượng bị xử phạt

 

53 doanh nghiệp cung cấp phân bón kém chất lượng bị xử phạt

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) cho biết vừa xử phạt vi phạm hành chính 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể về nội dung ghi nhãn không đúng quy định, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đảm bảo chất lượng. Trong đó có 53 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phân bón kém chất lượng.

Trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột Nga - Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã. Chỉ trong hơn một năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi.

Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, đó là: Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Hóa Nông Lúa Xanh; Công ty TNHH Cửu Long; Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc; Công ty TNHH Nông Vui; Công ty CP Phân bón Long Điền Thanh Hóa; Công ty CP Secpentin và phân bón Thanh Hóa; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Phong Vũ; Công ty CP Kỹ thuật DO HA L E D U S A; Công ty CP Dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả.

Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.

Được biết, hằng năm nước ta sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón (urê, DAP, kali) trong nước đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg (tùy loại) và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện cao nhất từ trước tới nay, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng phi mã khi xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón kém chất lượng điển hình như: Công ty TNHH Thương mại quốc tế Nhuận Việt nhập khẩu Ammonium Chloride; Công ty CP Đầu tư Hợp Trí nhập khẩu phân bón lá Hợp trí Super Humic; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trung Giang nhập khẩu phân bón NPK 18-11-59+2MgO (Nutrigel); Công ty CP Sản xuất và phương mại hóa chất An Phú nhập khẩu phân bón Ammonium Sulphate; Công ty TNHH Nguyễn Duy nhập khẩu phân bón NPK Buff 19-9-19 TN…

 

Tác giả: Ngọc Bảo

Nguồn tin: baophapluat.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây