Xuất khẩu càng nhiều, phòng vệ thương mại càng tăng

Thứ ba - 16/11/2021 09:46
Số vụ kiện phòng vệ thương mại càng tăng, càng chứng tỏ sự hiện diện mạnh mẽ của hàng hóa Việt Nam ở thị trường thế giới. Do đó, doanh nghiệp Việt nên sẵn sàng để ứng phó với phòng vệ thương mại, thay vì phòng tránh như trước đây.

 

Phòng vệ thương mại gia tăng theo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.Phòng vệ thương mại gia tăng theo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Phòng vệ thương mại gia tăng mạnh mẽ

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc thì con số này trong giai đoạn 2011 - 2015 là 52 và giai đoạn 2016 - tháng 9/2021 là 109 (trong đó, chống bán phá giá nhiều nhất với 58 vụ việc).

Tổng số vụ PVTM của Việt Nam tính đến thời điểm này là 208 vụ. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh thuế nhằm vào hàng hóa xuất khẩu (XK) từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa XK từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM (như thép, nhôm, thậm chí là tôm).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng XK từ Việt Nam là do XK của Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này phải đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Ở chiều ngược lại, mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Khánh khẳng định, biện pháp PVTM có tác động nhiều mặt về lâu dài, không phải là những lợi ích trước mắt. Với vai trò của các biện pháp PVTM trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương nhất quán, xuyên suốt đối với công tác PVTM. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XIII đã đề ra chủ trương “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, DN, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”.

Phòng vệ thương mại có thể xảy ra với bất kỳ mặt hàng nào

Trong số các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa Việt Nam, đa phần xuất phát từ các nước là thị trường cao cấp như Mỹ. Châu Âu (EU) cũng là thị trường XK lớn thứ 4 của hàng Việt Nam nhưng số vụ PVTM không đáng kể do kim ngạch XK của hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% so với dung lượng hàng hóa nhập khẩu của EU. Đại diện Cục PVTM khẳng định, khi nào kim ngạch XK của Việt Nam đủ lớn vào EU, chắc chắn số lượng các vụ PVTM từ khu vực này sẽ tăng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, DN Việt Nam biết: “Quan hệ xuất nhập khẩu ngày càng lớn thì các vụ kiện PVTM ngày càng nhiều. Đây là thực tế mà các DN phải chấp nhận bởi PVTM là đã trở thành công cụ phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2017, xu hướng bảo hộ trên toàn thế giới gia tăng, số vụ PVTM đã chiếm đến 45% so với tổng số vụ kể từ năm 2002. Do đó, DN phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó với PVTM, không phải để phòng tránh như trước đây”.

Đáng chú ý, các vụ kiện PVTM không phải chỉ xảy ra với các mặt hàng XK “tỷ đô” của Việt Nam mà các mặt hàng XK trị giá chưa đến 100 triệu USD cũng bị kiện PVTM (như vụ Hoa Kỳ điều tra với mặt hàng mật ong mới đây). Ngoài ra, không phải chỉ các thị trường lớn mới kiện mà các thị trường xung quanh Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng công cụ PVTM thường xuyên hơn như Philippines, Indonesia, Thái Lan…

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị, với năng lực sản xuất gia tăng nhanh chóng, kim ngạch XK của Việt Nam năm 2021 dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD. Xu thế PVTM nhắm vào hàng hóa Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới, trong đó biện pháp chống lẩn tránh thuế sẽ tăng đáng kể bởi Việt Nam có nhiều ưu đãi trong các hiệp định song phương với các thị trường lớn. Do đó, DN cũng phải chuẩn bị, sẵn sàng tâm thế để ứng phó với các vụ kiện PVTM.

 

Tác giả: Admin, Nhật Thu

  Ý kiến bạn đọc

vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây