Lập lờ nguồn gốc đất?
Thời gian vừa qua, chúng tôi liên tục nhận được đơn thư phản ánh, kêu cứu của gia đình ông Lê Văn Luyện (thôn Trung, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên TP. Hà Nội) về việc gia đình ông bị UBND huyện Phú Xuyên thực hiện thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) - sau đây xin gọi tắt là dự án.
Thửa đất của gia đình ông Lê Văn Luyện trong diện thu hồi.
Theo thông tin phản ánh ông Luyện cho biết, gia đình ông là người đang sử dụng diện tích đất tại thửa số 405, số tờ 11 tại địa chỉ thôn Trung, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Ngày 13/12/2023, gia đình ông nhận được Quyết định số 6453/QĐ-UBND ngày 27/11/2023 của UBND huyện Phú Xuyên về việc thu hồi 10.131,2m2 đất trên địa bàn xã Châu Can để thực hiện dự án và Quyết định số 6589 - QĐ - UBND ngày 27/11/2023 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình của ông.
Quyết định số 6453/QĐ - UBND ngày 27/11/2023 của UBND huyện Phú Xuyên.
Theo đó, tại quyết định số 6453 của UBND huyện Phú Xuyên do ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên ký lại cho rằng phần đất 10.131,2m2 thu hồi để phục vụ dự án lại thuộc quản lý, sử dụng của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thủy lợi Sông Nhuệ. Ngoài ra, tại Quyết định số 6589 lại chỉ ra rằng người có tài sản gắn liền với đất bị thu hồi tại dự án là hộ gia đình ông Lê Văn Luyện (?!). Liệu đây có phải sự bất nhất trong quan điểm thực hiện phương án bồi thường, giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án.
Không dừng lại ở đó, cũng tại Quyết định số 6453 đã xác định Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thủy lợi Sông Nhuệ là chủ sử dụng với thửa đất số: 405, tờ bản đồ số 11, diện tích 2805,1m2, loại đất được xác nhận là đất thủy lợi và đất sông. Tuy nhiên, theo ông Luyện đây là thông tin không chính xác và thiếu khách quan.
“Phần đất này (phần đất bị thu hồi để phục vụ dự án -PV) là do bố tôi là cụ Lê Xuân Ký khai hoang, vỡ hóa từ những năm 1970 tới nay với diện tích hơn 10.000m2. Bố tôi có trồng được 3 cây xà cừ trên diện tích đó đến năm 1989 thì UBND xã Châu Can có đề nghị mua lại 3 cây đó để làm cánh cổng. Hiện nay, gia đình tôi vẫn giữ được phiếu xuất kho vào ngày 03/8/1989 về việc xuất kho cho UBND xã Châu Can 3 cây xà cừ trên, đây là minh chứng rõ ràng về việc bố tôi đã khai hoang khu đất này từ những năm 1970”, ông Luyện cho biết thêm.
Cũng theo lời ông Luyện, ngày 1/1/1993 cụ Lê Xuân Ký được UBND xã Châu Can giao cho quản lý thầu khoán sử dụng khu Lạc Giới cạnh mảnh đất khai hoang của cụ Ký. Sau đó cụ Ký có được UBND xã Châu Can cho phép đắp đất, đắp bờ tà luy sông Nhuệ để chắn lũ và bảo vệ hoa màu. Đến ngày 31/12/2000 cụ Ký đã kí hợp đồng đắp đất, cải tạo khai hoang với ông Nguyễn Văn Hiện để ông Hiện đắp đất, san phần thùng, vũng phần diện tích khai hoang của cụ Ký, hợp đồng này có sự xác nhận của ông Nguyễn Văn Khiếu, chủ tịch UBND xã Châu Can vào thời điểm đó.
Những nhân chứng sống...
Để tìm hiểu sâu hơn về quá trình khai hoang, vỡ hóa của cụ Lê Xuân Ký và thời gian sử dụng, sản xuất trên phần đất của ông Lê Văn Luyện, chúng tôi đã có mặt trực tiếp tại phần đất đang bị “nhập nhèm” về nguồn gốc mà đang trong diện bị thu hồi. Theo quan sát, phần đất trong phần thu hồi để thực hiện dự án thuộc phần đất ao mà gia đình ông Luyện vẫn đang trong quá trình sử dụng để chăn nuôi vịt. Ngoài ra, phần đất mà cụ Ký đã khai hoang, vỡ hõa đã được gia đình ông Luyện xây dựng một nhà tạm, vài chuồng trại để phục vụ chăn nuôi, làm kinh tế theo mô hình Vườn - Ao - Chuồng.
Khi chúng tôi có hỏi ông Luyện về những người có chứng kiến việc cụ Ký khai hoang, vỡ hóa đất hay không thì ngay lập tức mở cho chúng tôi xem những giấy xác nhận có chữ ký tươi của các cụ: Lê Mai Sinh (sinh năm 1938), Nguyễn Văn Hiện (sinh năm 1942), Nguyễn Văn Khiếu (sinh năm 1937). Trao đổi với chúng tôi, cả cụ Sinh và cụ Khiếu đều nhất trí rằng những giấy xác nhận mà ông Luyện cung cấp đều là thông tin chính xác và do các cụ đã ký... và quan trọng hơn cả là những nhân chứng sống này đều khẳng định “Kể từ năm 2009 kể từ khi cụ Ký qua đời, vợ con ông Ký vẫn quản lý, sử dụng nhà, chăn nuôi vịt, thả cá và chăm sóc cây ăn quả, trồng rau, hoa màu sinh hoạt và quản lý đất đai khai hoang, vỡ hóa đến nay, không có ai tranh chấp với vợ con ông Ký...”.
Trước những thông tin người dân cung cấp, kính chuyển UBND huyện Phú Xuyên kiểm tra, xác minh lại hiện trạng, nguồn gốc và lịch sử sử dụng đất. Qua đó có những phương án hỗ trợ đền bù thỏa đáng, đúng với các quy định của pháp luật, tránh để thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất là gia đình ông Lê Văn Luyện.
Tạp chí Môi trường Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
p.v
Theo Môi trường và Xây dựng
Ý kiến bạn đọc