An Giang: Lạ kỳ bản án "soi đâu, sai đó” (!)

Thứ sáu - 13/09/2024 23:45
Dù Thẩm phán TAND tỉnh An Giang Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký Quyết định (QĐ) "sửa chữa" số 27/2024/QĐ-ST ngày 19/8/2024, nhưng bản án vẫn đầy lỗi! Không chỉ be bét về chính tả, nhiều câu được viết "tùy hứng" lúc thừa, lúc thiếu, có câu dài hơn nửa trang giấy! Hơn 25 năm làm báo, tiếp cận rất nhiều bản án, nhưng lần đầu tiên, phóng viên mới "mục sở thị” một bản án vừa "kỳ”, vừa "lạ” đến khó tin!
An Giang: Lạ kỳ bản án "soi đâu, sai đó” (!)

Có mặt tại tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM, ông Phạm Văn To (SN 1966, ngụ xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trình bày: Ông là bị đơn trong vụ tranh chấp với bà Phạm Thị Quang (SN 1957, ngụ cùng xã). Hai con của ông gồm Phạm Thị Tuyết Nga (SN 1989) và Phạm Văn Chí Tâm (SN 1993) là "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án". Cả 3 cha con cùng ủy quyền cho ông Ngô Văn Sang (SN 1972, ngụ TT.Tri Tôn) tham gia tố tụng.

Bà Quang khởi kiện tranh chấp 1.264m2 đất (trên có căn nhà) tại xã Lê Trì, yêu cầu ông To bồi thường 50 triệu đồng (sau hạ xuống còn 7,5 triệu), được TAND tỉnh An Giang thụ lý ngày 01/11/2021. Hơn một năm sau, Tòa ban hành QĐ đưa vụ án ra xét xử ngày 01/12/2022. Do không xử được nên Tòa ra QĐ "hoãn phiên tòa" và thông báo mở lại ngày 02/8/2023, nhưng bị "vướng". Tòa lại ra QĐ "hoãn phiên tòa". Đến ngày 21/9/2023, Tòa tiếp tục ra QĐ "tạm ngừng phiên tòa" và thông báo mở lại ngày 05/12/2023, nhưng cũng không mở được! Tòa ra 2 thông báo mở lại phiên xét xử ngày 11/3/2024 và 05/6/2024, rồi cũng bị "tắc". Ngày 27/6/2024, Tòa lại ra QĐ "hoãn phiên tòa"...

Sau hơn 18 tháng với điệp khúc "mở, hoãn, tạm ngừng, mở lại, rồi hoãn", ông nóng lòng chờ phiên xét xử diễn ra. Nào ngờ, cái mà ông nhận được chính là Bản án sơ thẩm số 96/2024/DS-ST (Bản án 96) của TAND tỉnh An Giang tuyên ngày 18/7/2024, với HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Ngọc Tuấn làm Chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Trần Thị Lan và Nguyễn Hồng Hoai. Bản án cho rằng, ông Sang (đại diện cho 3 cha con ông To) được triệu tập lần 2, nhưng vắng mặt không lý do nên Tòa xử luôn, đồng thời đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ông Phạm Văn To và con gái đến Tòa soạn trình bày bức xúc

Ông Sang trình bày: "Đại diện của nguyên đơn là ông Nguyễn Lưu Quang cũng được triệu tập lần 2 đến phiên tòa ngày 21/9/2023, nhưng vắng mặt, có đơn xin hoãn. Trong khi theo quy định, đây không thuộc trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thay vì ra QĐ "đình chỉ giải quyết vụ án", HĐXX lại cho "tạm ngừng phiên tòa". Phải chăng, do ông Quang từng làm việc tại TAND tỉnh An Giang và là thư ký giúp việc cho Thẩm phán Nguyễn Ngọc Tuấn, nên HĐXX "ưu ái", thiên vị?"

Ông To bày tỏ: "Những lần xử trước, cha con tôi đều nhận được thư mời của Tòa, nhưng lần này thì không nhận được bất kỳ văn bản nào thông báo mở phiên tòa ngày 18/7/2024. Nếu có thì chúng tôi bằng mọi giá phải dự! Không chỉ chúng tôi, toàn bộ hơn chục người liên quan trong vụ án, đều vắng mặt nên phiên tòa chỉ có HĐXX và nguyên đơn, tuyên bản án rất nhiều lỗi. Dù Thẩm phán Tuấn đã ký QĐ "sửa chữa bản án", nhưng lỗi còn đầy! Tệ hại hơn, bản án như đánh đố, nhiều chỗ cha con tôi đọc đi đọc lại cũng không hiểu HĐXX nói gì?".

Bức xúc của bị đơn là có căn cứ. Bản án 96 sai be bét, nhất là lỗi chính tả không đếm xuể! Nhiều câu viết thừa hoặc thiếu từ, không có nghĩa! Điển hình, tại trang 3 của bản án, có câu "Con bà Lài chết chết 20/02/2022" (dư từ "chết", thiếu từ "ngày"). Tại trang 5 có câu "Hơn nữa cha, mẹ ông tạo lập rất nhiều tài sản là đất chết để lại, năm 2007 sau khi cụ Nhỏ chết", rất tối nghĩa! Hay tại trang 19, có cụm từ "không đúng quy định pháp quy định luật" hoàn toàn vô nghĩa! Hay tại trang 21 và 24 có câu "Bà Quang là đối tượng người tuổi" cũng không có nghĩa! Về tên nguyên đơn, tại trang 23 ghi "bà Phạm Thị bà Quang". Còn người đại diện cho bà Quang có 3 họ: Nguyễn Lưu Quang, Trần Lưu Quang, Lưu Quang (?!).

Bản án còn để lại "dấu ấn" về nhiều câu dài kỷ lục, có câu hơn nửa trang giấy! Thậm chí, cả phần nhận định "3.2" dài 768 từ (hơn 1 trang giấy), đọc mệt nghỉ mới thấy được "dấu chấm" hết câu (?!)...

Kêu cứu vì… "xét nhanh, xử gọn"

Ông To lên tiếng: "Bản án được tuyên theo kiểu "xét nhanh, xử gọn" dẫn đến nhiều sai sót không thể chấp nhận. Nghiêm trọng hơn, bản án còn xúc phạm đến mẹ tôi là cụ Trần Thị Nhung, người đã mất nhiều năm!".

Kèm tài liệu, ông Sang chứng minh Bản án 96 có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục tố tụng lẫn nội dung. Hồ sơ thể hiện rõ: Vợ chồng cụ Nhung và cụ Phạm Văn Nhỏ (mất năm 2007), cùng SN 1934, có 7 người con. Ngày 20/5/2010, dưới sự chủ trì của ông Lê Minh Quang - Chủ tịch UBND xã Lê Trì, cùng đại diện các ban ngành xã, cụ Nhung và các con sau khi bàn bạc, thống nhất điểm chỉ vào "Biên bản hòa giải phân chia tài sản" (BB ngày 20/5/2010), cụ thể: Bà Quang được chia 5.000m2 đất rẫy; bà Phạm Thị No 15 công đất rẫy và 15 công đất trên núi; hai bà Phạm Thị Thắm và Phạm Thị Út Thôi mỗi người 3,5 công đất rẫy; bà Phạm Thị Lại và ông To mỗi người 4 công đất ruộng; bà Phạm Thị Ấm 423,7m2 đất ở. Cụ Nhung được hưởng phần đất 1.687,7m2 tại xã Lê Trì, cắt ra 423,7m2 chia cho bà Ấm.

Phần nhận định "3.2" của Bản án 96 dài 768 từ, nhưng chỉ có "dấu chấm" hết câu

Trang 19 của bản án với cụm từ "không đúng quy định pháp quy định luật

Trang cuối của bản án có câu "Bà Quang là đối tượng người tuổi"

Căn cứ theo BB ngày 20/5/2010, tất cả đã làm thủ tục đứng tên QSDĐ. Riêng phần đất của cụ Nhung, sau khi chia và trừ lộ giới, còn lại 1.264m2, được UBND H.Tri Tôn cấp 2 GCN QSDĐ ngày 14/12/2010, số BB 023740 (diện tích 773,9m2, trên đất có căn nhà tạm) và số BB 023741 (với 490,1m2, đất ao). Cũng theo BB ngày 20/5/2010, phần đất này giao cho bà Quang với điều kiện phải phụng dưỡng cụ Nhung, nhưng bà Quang không thực hiện.

Ngày 20/7/2010, cụ Nhung làm đơn gửi UBND xã Lê Trì và Tư pháp xã, nêu rõ: "Khoảng hai tháng trước, gia đình tôi có xảy ra việc lộn xộn về phân chia đất đai. Tôi làm đơn gửi UBND xã giải quyết đã xong. Phần của tôi, căn nhà ở và hai công đất (phần đất 1.687,7m2), sau khi bàn bạc, giao lại cho con trai tôi nhưng Phạm Văn To nhường lại cho chị gái Phạm Thị Quang, đồng thời làm cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng tôi. Sau khi nhận nhà và đất, Quang bỏ mặc, không hề chăm sóc và nuôi tôi. Trong khi đau ốm, To đưa tôi đi bệnh viện khám và đưa về nhà nuôi. Quang đã làm cam kết trước gia đình và pháp luật nhưng không thực hiện... Vậy tôi làm giấy này giao lại nhà đất cho con trai tôi Phạm Văn To sử dụng đồng thời nuôi dưỡng tôi cho đến khi tôi chết".

Sau đó, cụ Nhung về sống chung với gia đình ông To. Ngày 04/4/2011, cụ Nhung lập di chúc để lại 1.264m2 đất cho cháu nội Phạm Văn Chí Tâm (con ông To) để Tâm cùng cha mẹ anh phụng dưỡng cụ và thờ cúng cụ Nhỏ, ông bà tổ tiên. Được anh Tâm đồng ý, ngày 18/8/2017, cụ Nhung lập 2 hợp đồng (HĐ) tặng cho 1.264m2 đất cho ông To. Ngày 19/9/2017, ông To được Sở TN&MT tỉnh An Giang cấp đổi 2 GCN số CS 03136 (773,9m2) và số CS03135 (490,1m2).

Thấy căn nhà tạm bỏ hoang, xuống cấp, ông To tháo dỡ để trồng cây, kiếm thêm huê lợi thì bà Quang ngăn cản, dẫn đến tranh chấp.

Chứng cứ rành rành, nhưng HĐXX nghiêng hẳn về nguyên đơn. Bản án 96 tuyên: Vô hiệu di chúc ngày 04/4/2011; Hủy các HĐ tặng cho tài sản của cụ Nhung lập ngày 18/8/2017; Hủy 2 GCN do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 14/12/2010 cho cụ Nhung; hai GCN số CS 03136 và CS03135 không còn giá trị pháp luật; giao 1.264m2 đất cho bà Quang; buộc ông To bồi thường cho bà Quang 7,5 triệu đồng (tháo dỡ nhà)...

Đại diện bị đơn lên tiếng: HĐXX giải quyết lại vụ việc đã được UBND xã Lê Trì giải quyết xong từ hơn 14 năm trước bằng BB ngày 20/5/2010 theo quy định pháp luật, có lý có tình. Cụ Nhung đã tự nguyện tặng nhà đất cho con trai, được cơ quan thẩm quyền xác định đúng trình tự thủ tục quy định pháp luật. Cả 2 HĐ tặng cho tài sản ngày 18/8/2017 được Văn phòng Công chứng Tri Tôn chứng nhận, nhưng HĐXX không triệu tập cơ quan này và cũng "quên" mời UBND xã Lê Trì để làm rõ nhiều vấn đề, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

HĐXX tuyên Bản án 96 lộ rõ thiên vị, nhiều tình tiết mâu thuẫn, không phù hợp thực tế, bóp méo sự thật. Trong khi các chứng cứ quan trọng, rõ nhất là đơn của cụ Nhung gửi UBND xã Lê Trì ngày 20/7/2010 thì HĐXX lại bỏ qua. Bản án 96 đã xâm phạm đến các quyền về tài sản và thừa kế của cụ Nhung; tước đoạt tài sản hợp pháp của cụ giao cho bà Quang trái pháp luật. Trong khi đó, tài sản mà bà Quang và các đồng thừa kế khác đã được phân chia cùng lúc với cụ Nhung, thì HĐXX giữ nguyên. Nếu HĐXX cho rằng việc phân chia tài sản trước đây trái pháp luật, thì tại sao không tuyên hủy toàn bộ kết quả, gom tất cả tài sản đã chia các đồng thừa kế để phân chia lại?

Ngoài kháng cáo toàn bộ Bản án 96, gia đình bị đơn đang xem xét gửi đơn khiếu tố đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hàng loạt những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án, có dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn...

CHIÊU AN - VĂN CƯƠNG

Theo: Báo Công an TP.HCM

(https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/la-ky-ban-an-soi-dau-sai-do_167179.html)

Tác giả: Admin

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây