Một số nội dung cơ bản về trọng tài thương mại ở Singapore
Singapore có hai luật điều chỉnh về vấn đề trọng tài thương mại (TTTM), bao gồm Luật trọng tài quốc tế (TTQT) Singapore năm 1994 áp dụng với TTTM quốc tế được giải quyết trên lãnh thổ Singapore, và Luật trọng tài Singapore năm 1953 áp dụng với trọng tài nội địa. Cả hai đạo luật này đều “tiệm cận” rất gần với Luật mẫu về TTTM quốc tế năm 1985 của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (gọi tắt là Luật mẫu của UNCITRAL). Nếu so sánh hai luật này với nhau, có thể thấy rằng các quy định của Luật TTQT năm 1994 có sự hạn chế hơn việc can thiệp của Tòa án vào quá trình trọng tài so với Luật trọng tài năm 1953. Điều này đã góp phần khuyến khích ngày càng nhiều việc lựa chọn Singapore làm nơi tiến hành tố tụng và chọn Luật Singapore làm luật áp dụng cho quá trình TTQT. Khác với Singapore, Việt Nam chỉ có một luật duy nhất quy định về trọng tài đó là Luật TTTM năm 2010, trong đó đề cập đến cả TTQT và trọng tài trong nước.
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Theo pháp luật trọng tài của Singapore, mọi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại đều có thể được giải quyết bằng trọng tài nếu như được các bên thỏa thuận, trừ trường hợp thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài được cho là trái với chính sách công. Bên cạnh đó, nếu luật thành văn quy định thẩm quyền tài phán với một vấn đề nào đó cho bất cứ Tòa án nào, mà không đề cập đến thẩm quyền của trọng tài, thì quy định này tự nó cũng không làm mất đi quyền giải quyết vấn đề đó bằng trọng tài.
Ở Singapore, các vấn đề không thể giải quyết bằng trọng tài vì trái với chính sách công không được quy định cụ thể trong các luật thành văn, mà được tổng kết qua các án lệ. Theo đó, các vấn đề liên quan đến chính sách công và không thể giải quyết bằng trọng tài bao gồm: Quyền công dân, hôn nhân, giấy phép theo luật định, phá sản hay vấn đề trách nhiệm hình sự.
Khác với quy định loại trừ như trong Luật trọng tài của Singapore, Luật TTTM năm 2010 của Việt Nam được thiết kế theo hướng liệt kê cụ thể các trường hợp có thể giải quyết bằng trọng tài. Điều 2 của Luật này quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài trong các trường hợp: (1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Quy định liệt kê như trong pháp luật của Việt Nam rõ ràng hơn so với quy định của Singapore; tuy nhiên, so với việc quy định mang tính loại trừ như Singapore, thì việc liệt kê như vậy đã thu hẹp các trường hợp được giải quyết bằng trọng tài. Theo đó, nếu trong trường hợp tranh chấp về một vấn đề mới phát sinh mà chưa kịp luật hoá, các bên dù mong muốn giải quyết bằng TTTM nhưng cũng có thể không có quyền được lựa chọn. Ngược lại, với pháp luật của Singapore, chỉ cần không trái với chính sách công thì có thể giải quyết bằng trọng tài.
Thứ hai, về thỏa thuận trọng tài
Cả Luật TTQT năm 1994 và Luật trọng tài năm 1953 của Singapore đều yêu cầu thỏa thuận trọng tài phải được thể hiện dưới dạng văn bản và cụ thể: “Thỏa thuận trọng tài được lập bằng văn bản nếu nội dung của nó được ghi nhận bằng một hình thức nhất định, dù bản thân thỏa thuận hoặc hợp đồng đã được ký kết bằng miệng hay không, căn cứ vào một ứng xử hoặc bất kỳ cách thức nào khác”.
Như vậy, theo pháp luật Singapore, trong trường hợp các bên thỏa thuận bằng lời nói về việc đưa tranh chấp ra trọng tài và “thể hiện bằng văn bản” thỏa thuận đó bằng một bản ghi âm thì thỏa thuận này vẫn được coi là hợp pháp. Khác với Singapore, pháp luật của Việt Nam quy định rất cụ thể các trường hợp được coi là “thể hiện bằng văn bản” đối với thỏa thuận trọng tài, và không bao gồm hình thức thỏa thuận trọng tài bằng lời nói nhưng được “thể hiện bằng văn bản” thông qua một bản ghi âm.
Thứ 3, về Trọng tài viên và Hội đồng trọng tài
Thứ nhất, về số lượng Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài (HĐTT), Luật trọng tài của Singapore quy định do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, thì theo luật của Singapore, HĐTT sẽ chỉ có một thành viên, không kể là trọng tài trong nước hay quốc tế. Trong khi đó, Luật TTTM năm 2010 của Việt Nam quy định trường hợp không thoả thuận được thì HĐTT có 03 thành viên. Như vậy, Việt Nam đã dựa trên quy định của Luật mẫu UNCITRAL, còn Luật trọng tài của Singapore lại có những điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh của đất nước này. Với lợi thế phát triển về trọng tài và sự uy tín của trọng tài, các Trọng tài viên ở Singapore đã có chuyên môn cao và tính chuyên nghiệp trong công việc, nên việc chỉ có một Trọng tài viên vẫn có thể bảo đảm việc giải quyết tranh chấp cho các bên. Hơn nữa, quy định này của Singapore còn thuận lợi hơn cho các bên nhờ tính linh hoạt, tiết kiệm chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp.
Một điểm sáng nữa trong Luật TTQT của Singapore đó là quy định về trọng tài khẩn cấp. Trên thực tế, đôi khi sẽ có những trường hợp mà một bên cần áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời và không thể chờ đợi phán quyết của HĐTT hay việc thành lập HĐTT (vì có thể mất 01, 02 tháng hoặc thậm chí lâu hơn). Do đó, Điều 2 (a) Luật TTQT năm 1994 của Singapore đã được sửa đổi để bao gồm trường hợp Trọng tài viên khẩn cấp trong khái niệm “Hội đồng trọng tài”. Sửa đổi này nhằm cung cấp cho Trọng tài viên khẩn cấp một địa vị pháp lý và quyền hạn giống như của bất kỳ Trọng tài viên trong HĐTT thông thường khác, cũng đảm bảo rằng các quyết định do Trọng tài viên khẩn cấp đưa ra có hiệu lực thi hành như các quyết định được ban hành bởi HĐTT khác.
Quy định này của Singapore được coi là tiến bộ, thậm chí là một kinh nghiệm tốt cho nhiều quốc gia khác, không chỉ Việt Nam. Bởi mặc dù quyết định của Trọng tài viên khẩn cấp có hiệu lực pháp luật ở một số quốc gia, nhưng nó không được hưởng tư cách và khả năng thực thi trên phạm vi rộng rãi như phán quyết trọng tài theo Công ước New York năm 1958. Vì cả Công ước New York và Luật mẫu của UNCITRAL đều không định nghĩa phán quyết trọng tài, nên pháp luật trong nước của mỗi quốc gia sẽ đưa ra khái niệm cụ thể về phán quyết trọng tài và các khái niệm có thể khác nhau. Nhiều quốc gia yêu cầu phán quyết phải là “cuối cùng và ràng buộc” đối với nội dung của tranh chấp giữa các bên trước khi nó có thể được công nhận và thực thi. Điều này dẫn đến một số nghi ngờ về việc liệu quyết định của Trọng tài viên khẩn cấp có thể thi hành ở hầu hết các quốc gia hay không? Khắc phục vấn đề này, bằng cách mở rộng định nghĩa về “Hội đồng trọng tài” bao gồm cả Trọng tài viên khẩn cấp, Luật của Singapore đã hàm ý rằng các quyết định của Trọng tài viên khẩn cấp cũng sẽ có giá trị thực thi ở nhiều quốc gia khác tương tự như phán quyết của các HĐTT thông thường, thông qua đó để công nhận rõ ràng các quyết định của Trọng tài viên khẩn cấp.
Thứ tư, các vấn đề liên quan đến phán quyết trọng tài
- Luật áp dụng để ban hành phán quyết trọng tài: Luật áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp thương mại nội địa và quốc tế ở Singapore đều có thể do các bên thỏa thuận, lựa chọn và quy định trong thỏa thuận trọng tài. Quy định này khác với quy định của pháp luật Việt Nam, vì đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Luật TTTM năm 2010 quy định HĐTT áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận quy định đó từ góc độ của nguyên tắc về quyền tự do định đoạt của các bên tranh chấp thì đây là một rào cản pháp lý đối với các bên sử dụng trọng tài, vì nó đồng nghĩa với việc hạn chế quyền lựa chọn luật áp dụng đối với các bên tranh chấp là công dân Việt Nam và trái với nguyên lý về sự phụ thuộc của việc xác định luật áp dụng vào kết quả của sự lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài. Theo đó, trong một vụ tranh chấp, luật áp dụng bao hàm cả luật hình thức và luật nội dung. Việc lựa chọn luật hình thức không nhất thiết phải trùng hợp với việc lựa chọn luật nội dung và ngược lại. Nếu luật hình thức của một quốc gia nào đó có lợi hơn đối với các bên khiến họ mong muốn áp dụng thì họ có thể tự do lựa chọn. Do vậy, quy định tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì HĐTT phải áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết là không hợp lý.
- Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: So sánh với quy định về trọng tài của Việt Nam, việc huỷ phán quyết trọng tài theo pháp luật trọng tài Singapore có hai điểm khác biệt cơ bản như sau:
Một là, luật của Singapore quy định phán quyết có thể bị huỷ trong trường hợp Tòa án cho rằng phán quyết của trọng tài đó là trái với chính sách công của Singapore. Quy định này tương thích với luật mẫu của UNCITRAL và không gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một trong những căn cứ để Tòa án hủy phán quyết đó là: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Quy định này đã gây nhiều tranh cãi và bất cập trên thực tiễn thi hành vì sự mơ hồ, không rõ ràng, dẫn đến việc phán quyết trọng tài có thể bị huỷ một cách tùy tiện. Thực tế, mỗi đạo luật ở một lĩnh vực riêng đều có những quy định về nguyên tắc, nên nếu gộp lại thì “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” rất nhiều. Việc quy định không rõ ràng có thể khiến một bên tranh chấp dễ dàng viện dẫn căn cứ “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” đối với phán quyết trọng tài và đưa ra giải thích hợp lý, khiến nguy cơ phán quyết trọng tài bị hủy là rất cao.
Hai là, về nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài, ở Singapore, nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này là của Tòa án, tuy nhiên, ở Việt Nam, trường hợp này các bên vẫn có nghĩa vụ chứng minh. Lý do là bởi ở Singapore, vụ tranh chấp thương mại sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài trong trường hợp thoả thuận trọng tài trái với chính sách công, và việc chứng minh “trái với chính sách công” chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, với pháp luật Việt Nam, như đã nêu trên, phạm vi các vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài là rộng hơn, do vậy, nghĩa vụ chứng minh được quy định cho các bên tranh chấp.
Ngoài ra, phán quyết trọng tài nội địa ở Singapore còn có thể bị kháng cáo, tuy nhiên vô cùng hạn chế. Việc kháng cáo chỉ có thể thực hiện trong một số trường hợp liên quan tới những vướng mắc về pháp luật phát sinh từ phán quyết; kháng cáo phải được thông báo với bên còn lại và HĐTT, phải có sự đồng ý của các bên tranh chấp và được sự cho phép của Tòa án tối cao. Với kháng cáo được Tòa án tối cao giải quyết, Tòa có thể đưa ra một trong các quyết định: Giữ nguyên phán quyết, thay đổi phán quyết, chuyển phán quyết cho HĐTT xét lại một phần hoặc toàn bộ, huỷ một phần hoặc toàn bộ phán quyết. Trong khi đó, pháp luật về trọng tài của Việt Nam với cách tiếp cận tương tự Luật mẫu của UNCITRAL, quy định phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm nên không thể kháng cáo mà chỉ có thể yêu cầu huỷ phán quyết theo quy định. Theo tác giả, việc quy định như trong pháp luật về trọng tài của Việt Nam hiện nay là phù hợp với thực tiễn nước ta, khi các bên tranh chấp thương mại còn chưa thật sự thể hiện sự tôn trọng với việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nếu có quy định về kháng cáo đối với phán quyết trọng tài, dù rất hạn chế, nhưng quy định này cũng có thể bị một trong các bên lợi dụng dẫn đến việc kéo dài thời gian thi hành phán quyết, vô hình trung làm cản trở việc phát triển phương thức giải quyết bằng trọng tài.
Một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại ở Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động TTTM trong thời gian gần đây đã bắt đầu có những bước “chuyển mình”, đặc biệt từ sau khi Luật TTTM năm 2010 được ban hành. Theo thống kê của Trung tâm TTQT Việt Nam, số tranh chấp được trung tâm này thụ lý từ năm 2015 - 2018 là trên 150 vụ, và năm 2019 là trên 250 vụ10. Bên cạnh đó, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng chủ trương “Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.” Do vậy, việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Từ những phân tích về pháp luật của Singapore về TTTM, tác giả đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện Luật TTTM năm 2010 của Việt Nam như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thay vì quy định liệt kê những trường hợp có thể giải quyết bằng trọng tài trong Luật TTTM năm 2010 và các luật có liên quan như hiện nay (ví dụ: Điều 147 Luật doanh nghiệp năm 2014; Điều 138 Bộ luật hàng hải năm 2015; Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và năm 2019…), có thể xây dựng một điều luật về thẩm quyền trọng tài mang tính loại trừ tương tự như Luật trọng tài của Singapore. Theo đó: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại đều có thể được giải quyết bằng trọng tài nếu như các bên thoả thuận giải quyết bằng phương thức này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Từ đó, các luật liên quan sẽ cụ thể các trường hợp mà đối tượng tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài, để bảo vệ lợi ích công cộng tương tự như pháp luật của Singapore, hay do tính phức tạp nên chưa thể chuyển cho trọng tài giải quyết, ví dụ, tranh chấp liên quan đến phá sản, tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân… Việc quy định loại trừ như vậy có tính bao quát hơn, thuận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay, góp phần bảo đảm sự tự do lựa chọn trọng tài của các bên trong hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, thực tế, nhiều tranh chấp thương mại liên quan đến những vấn đề mới phát sinh mà các bên đều mong muốn giải quyết bằng trọng tài, và việc giải quyết bằng trọng tài cũng không làm ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, nhưng các bên lại không thể tự do chọn trọng tài vì đối tượng tranh chấp chưa kịp được luật hóa.
Thứ hai, về thỏa thuận trọng tài, bên cạnh việc quy định như hiện nay, có thể nghiên cứu việc mở rộng các quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài. Kể cả trong trường hợp các bên có thoả thuận bằng lời nói về sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, và thoả thuận này đã được ghi âm, thể hiện lại dưới hình thức văn bản thì thỏa thuận này cũng có thể có hiệu lực. Quy định như vậy sẽ tạo nên tính linh hoạt khi áp dụng trong thực tiễn.
Thứ ba, về HĐTT, để tiết kiệm chi phí, thời gian cho các bên trong bối cảnh TTTM đã và đang có nhiều bước tiến ở Việt Nam hiện nay, các nhà lập pháp nên cân nhắc quy định HĐTT gồm một người nếu các bên không tự thỏa thuận được trong trường hợp trọng tài không có yếu tố nước ngoài. Còn đối với trọng tài có yếu tố nước ngoài, do tính chất phức tạp của vụ tranh chấp nên việc duy trì HĐTT gồm 03 thành viên thì phù hợp hơn. Ngoài ra, theo Luật TTTM của Việt Nam hiện nay, tuy HĐTT có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp này trước khi thành lập HĐTT. Do đó, việc quy định Trọng tài viên khẩn cấp và đặt trong quy định định nghĩa về HĐTT vừa đáp ứng kịp thời, vừa bảo đảm cho việc thực thi các quyết định của Trọng tài viên khẩn cấp.
Thứ tư, về luật áp dụng để ban hành phán quyết trọng tài, cần loại bỏ quy định hạn chế quyền lựa chọn luật áp dụng đối với trường hợp tranh chấp không có yếu tố nước ngoài. Như đã phân tích ở phần trên, quy định này không chỉ trái với nguyên tắc về tự do định đoạt của các bên mà còn trái với nguyên lý về sự phụ thuộc của việc xác định luật áp dụng vào kết quả của sự lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài. Do vậy, việc bỏ quy định không hợp lý như hiện nay là cần thiết nhằm “tháo gỡ những rào cản pháp lý” đối với việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam.
Thứ năm, về các căn cứ hủy phán quyết trọng tài do “phán quyết trọng tài trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để làm rõ nội dung này. Mặc dù khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật TTTM đã giải thích “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là “vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”, nhưng trên thực tế, quy tắc này vẫn được coi là chung chung, không minh bạch, dẫn đến tình trạng lạm dụng để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ở đây, cần giới hạn phạm vi của căn cứ này bằng việc quy định cụ thể những nguyên tắc liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trọng tài là những nguyên tắc nào và được giới hạn thuộc Bộ luật Dân sự hay luật nào khác. Những quy định cụ thể đó có thể khắc phục tình trạng bất cập vì sự không rõ ràng như hiện nay./.
Ý kiến bạn đọc