Tuy nhiên đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn còn ì ạch ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư nhưng còn gặp khá nhiều rối rắm nên một số khách hàng đã căng băng rôn phản đối trước khu dân cư Võ Minh Đức.
Theo trình bày của ông Lê Thành Điệu - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên (Công ty Thành Nguyên):
Ngày 1/11/2018, theo sự sắp xếp của ông Nguyễn Sơn Tùng, bà Ngô Ngọc Giàu (vợ của ông Lê Thành Điệu), là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Thành Nguyên (nắm giữ 57,5% cổ phần của công ty Thành Nguyên), đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn của Công ty Thành Nguyên cho ông Nguyễn Đăng Hải - Giám đốc Công ty Liên Hiệp Việt, để công ty Liên Hiệp Việt sở hữu thêm 33,33% trong Công ty VNam Real, giá trị chuyển nhượng là 200 tỷ. Tiếp đó, chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 13/11/2018, ông Tùng và những người của Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Liên Hiệp Việt, lại đề nghị ông Điệu lập hai Hợp đồng giả cách chuyển nhượng phần góp vốn của ông Điệu và của vợ là bà Ngô Ngọc Giàu, mỗi người chuyển nhượng 8 triệu cổ phần (trị giá 80 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ trong Công ty Thành Nguyên) cũng cho ông Nguyễn Đăng Hải. Như vậy, tổng số cổ phần chuyển nhượng của ông Điệu và bà Giàu là 80%, với trị giá 160 tỷ đồng. Phía Công ty TNHH Liên Hiệp Việt nói rằng họ sẽ dùng hợp đồng giả cách này để vay vốn ngân hàng thực hiện dự án, nên ông Điệu và bà Giàu đều vô tư ký vào Hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn, với sự an tâm đây chỉ là hợp đồng giả cách, ông bà sẽ không mất gì nhờ vào một dòng chữ ghi trong Điều 2 của hợp đồng là “Phương thức thanh toán: Bên mua thực hiện chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của bên bán ngay vào thời điểm ký hợp đồng này trước sự chứng kiến của người đại diện theo pháp luật của Công ty”. Thế nhưng, thực tế là ngay khi ký hợp đồng và cả sau này, phía Công ty TNHH Liên Hiệp Việt, không hề chuyển cho ông Điệu một xu.
Lý do nào để ông Điệu và bà Giàu ký nhiều hợp đồng chồng chéo, sai nguyên tắc như vậy? Ông Điệu thổ lộ rằng, khi ấy ông quá tin tưởng vào sự thân thiết và thành thật của ông Nguyễn Sơn Tùng, lại nữa, ông Tùng không chỉ là đối tác làm ăn mà còn được xem như một luật sư đại diện cho Công ty Thành Nguyên nên khi ông Tùng nói gì là ông Điệu tin tưởng đặt bút ký ngay, mà không lường trước được hệ lụy pháp lý xảy ra về sau.
Cũng cần phải nói thêm, Công ty Thành Nguyên dù là Công ty Cổ phần nhưng trong đó, ba cổ đông của Công ty đều là người trong một gia đình (bà Ngô Ngọc Giàu - vợ ông Điệu, có 57,5% cổ phiếu, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Thành Điệu, có 41% cổ phiếu, là Giám đốc Công ty và ông Lê Văn Thám - là cha ruột của ông Điệu, nắm 1,5% số cổ phiếu còn lại). Chính vì thế, cả bà Giàu và ông Thám đều không can thiệp vào những việc ông Điệu làm. Theo nguyên tắc, khi ông Lê Thành Điệu muốn ký một hợp đồng hay thỏa thuận nào với các đối tác cũng phải thông qua ý kiến Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông hoặc được sự chấp thuận bằng văn bản của các cổ đông Công ty Thành Nguyên. Từ đó có thể kết luận, tất cả văn bản, thỏa thuận, hợp đồng của ông Điệu hay bà Giàu ký, đều trái thẩm quyền và vô hiệu theo qui định của pháp luật. Ở vai trò của một luật sư, hiểu biết về pháp luật, đúng ra ông Nguyễn Sơn Tùng phải nắm rõ điều này nhưng ông Tùng vẫn đề nghị ông Điệu hay bà Giàu ký là sai trái nhưng ông Tùng vẫn làm ngơ, là không thể chấp nhận… Đây là những vấn đề cần phải được làm rõ.
Theo trình bày của ông Lê Thành Điệu: Do các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký ngày 13/11/2018, là hợp đồng giả cách nhằm mục đích vay vốn ngân hàng nên hoàn toàn không có việc vợ chồng ông bà chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Liên Hiệp Việt hay Công ty Liên Hiệp Việt thanh toán tiền chuyển nhượng cho ông Điệu, bà Giàu. Thế nên ngay sau đó, bà Ngô Ngọc Giàu ký Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, số 01/HĐCN, chuyển nhượng toàn bộ 57,5% cổ phần trong Công ty Thành Nguyên cho ông Lê Đức Sĩ (do bà Giàu chuẩn bị xuất ngoại). Hợp đồng này là có thật, được sự chấp thuận của hai cổ đông còn lại trong Hội đồng quản trị là ông Điệu và ông Thám. Ông Lê Đức Sĩ trở thành cổ đông nắm giữ 57,5% cổ phần của Công ty Thành Nguyên.
Căn cứ vào sự thay đổi đó, công ty Thành Nguyên đã thực hiện thủ tục thông báo nội dung đăng ký doanh nghiệp lần 7 vào ngày 12/12/2018 và lần 8 vào ngày 21/12/2018 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Ở lần thay đổi thứ 8, ông Nguyễn Tấn Tài được giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Thành Nguyên thay ông Lê Đức Sĩ. Trong hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh, cả hai lần đều không có sự tham gia của của Công ty Liên Hiệp Việt với tư cách thành viên và mặc dù ông Nguyễn Sơn Tùng cùng Công ty Liên Hiệp Việt, Công ty Vnam Real, biết rõ sự thay đổi này nhưng không hề có ý kiến gì cũng như cũng không đề nghị tham gia họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Thành Nguyên. Đáng chú ý là, trong thời gian hơn một năm về sau, rất nhiều hợp đồng hợp tác được ký kết qua lại giữa Công ty Thành Nguyên và Công ty Capital, Công ty Liên Hiệp Việt, Công ty Vnam Real... do ông Nguyễn Tấn Tài, đứng tên ký nhưng các thành viên của 3 Công ty trên không thắc mắc gì. Cụ thể là Thỏa thuận về việc cấn trừ, xác nhận công nợ và chuyển giao các quyền và nghĩa vụ liên quan giữa Công ty Thành Nguyên và Công ty Capital, Công ty Liên Hiệp Việt, Công ty Vnam Real, ký ngày 22/07/2019 và Hợp đồng giải quyết các tồn đọng liên quan đến dự án Khu dân cư Võ Minh Đức và chuyển nhượng 100% vốn của các cổ đông trong Công ty do ông Tài ký và các thành viên khác là ông Nguyễn Sơn Tùng, Nguyễn Đăng Hải… cùng đồng ý ký tên, chấp nhận sự thay đổi rất “bình thường” trong Công ty Thành Nguyên.
Điều này càng chứng tỏ rõ ràng: Căn cứ vào hợp đồng ký ngày 22/7/2019, Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp mà ông Điệu và bà Giàu ký ngày 13/11/2018 chỉ là giả tạo, bởi nếu thực tế hai bên đã chuyển nhượng cổ phần và tiền bạc hoặc chưa kịp chuyển cho nhau thì chẳng lý do gì ông Tùng và ông Hải lại ký vào những hợp đồng sau này. Chẳng lẽ ông Tùng và ông Hải ngây thơ chịu thiệt đơn thiệt kép như vậy.Cũng cần phải nói rõ là đến khoảng đầu năm 2019, căn cứ theo Hợp đồng hợp tác đầu tư ký ngày 26/7/2018 giữa Công ty Thành Nguyên và Công ty Liên Hiệp Việt, Công ty Thành Nguyên, đã nhận của Công ty Liên Hiệp Việt khoảng 65 tỷ đồng, được chuyển làm nhiều lần. Đây là số tiền mua lại cổ phần Công ty Thành Nguyên trong Công ty Vnam Real. Bằng chứng là trên các lệnh chuyển tiền của HDBank ngày 14/11/2018, số tiền 18,3 tỷ đồng và ngày 24/12/2018, số tiền 17 tỷ đồng đến Công ty Thành Nguyên đều ghi nội dung bằng chữ: CT TNHH TV QL LIEN HIEP VIET MUA LAI VON GOP CUA CT CP DTXD VA KD BDS THANH NGUYEN TRONG CT TNHH VNAM REAL THEO DD HUA CHUYEN. Đây là hai lần chuyển tiền có số tiền nhiều nhất trong số 65 tỷ đồng. Tất cả các lần chuyển tiền khác đều ghi chung một nội dung tương tự.
Ý kiến bạn đọc