Tuy nhiên, sau đó bà Huỳnh Thị Thanh Phương - Bí thư Thành ủy Thuận An (tỉnh Bình Dương) lại có những phát ngôn trên báo chí, bà Phương cho rằng: “Trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch Covid-19 như hiện nay, tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch. Nếu người dân không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương để đảm bảo việc không lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng thì địa phương có quyền thực hiện các biện pháp theo luật phòng, chống dịch bệnh”. Lời phát ngôn này được mọi người cho là chưa chuẩn và đã gây nhiều tranh cãi...
Nhằm tham vấn, chia sẻ với cộng đồng để tham khảo về góc độ pháp lý, Luật gia Nguyễn Đức Hải, Tư vấn viên Pháp luật - Trung tâm tư vấn Pháp luật tại TP.HCM chia sẻ như sau:
Sáng 28/9, ông Võ Thanh Quan- Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đã dẫn đoàn công tác của phường xuống kiểm tra và cho phá cửa căn hộ của bà Hoàng Thị Phương Lan (SN 1981), ở chung cư Ehome 4 để đưa bà đi test COVID Ảnh: Cắt từ clip
Như chúng ta đã biết, trong đời sống mọi cá nhân, tổ chức, người cán bộ hay cơ quan nhà nước...mọi người hết thảy đều có nghĩa vụ là phải tuân thủ những quy định của pháp luật, nói một cách khác là phải sống và làm việc theo “Hiến pháp và Pháp luật” và phải thượng tôn pháp luật.
Việc vị Bí thư kia cho rằng hiện nay hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch thì “tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch”. Câu nói này nếu nhìn nhận ở góc độ pháp lý, tôi cho rằng câu nói đó chưa phù hợp, câu từ “không thể áp dụng pháp luật một cách bình thường” nghe như có vẻ không bình thường chút nào. Tại sao hiện nay những chế định pháp luật, các điều khoản trong luật đã được quy định rất rõ và đầy đủ, nhưng sao “không thể áp dụng bình thường”? Nếu không thể áp dụng “bình thường” vậy người có chức trách sẽ áp dụng pháp luật một cách tùy tiện và ngay cả trái với quy định pháp luật được hay sao?
Lời lý giải của người cán bộ trong sự việc phá khóa nhà, tổ chức cưỡng chế “áp giải” bà L từ trong nhà ra nơi xét nghiệm (test covid) là do bà L từ chối không chấp hành cho dù đã yêu cầu trước đó 3 lần? Vậy hành động này “đúng sai” như thế nào? Trong trường hợp của bà L Nhà chức trách được phép ‘áp giải” như thế hay không?
Phát biểu của bà Bí thư xung quanh nội dung sự việc được Báo Dân Việt điện tử đăng ngày 29/09/2021
Để giải mã câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu về những chế định pháp luật liên quan như: Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định có liên quan như sau...
Về những quy định pháp luật trong trường hợp được “áp giải” người vi phạm hành chính như sau: “áp giải người theo thủ tục hành chính” được quy định tại Nghị định số: 112/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung 2016) - Nghị định quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
- Về thẩm quyền, thủ tục áp giải người theo thủ tục hành chính, tại Điều 24 quy định về “Áp giải người vi phạm” như sau:
1. Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
b) Đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 132 Luật xử lý vi phạm hành chính;
c) Người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.
2. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 25 Nghị định này đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm.
………………
Như vậy, tại điều khoản này cho thấy trường hợp áp giải người vi phạm hành chính thì chỉ dành cho người “Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính; Người bị trục xuất..,”; và việc “tạm giữ người theo thủ tục hành chính”cho người có những hành vi được quy định tại Điều 11 (Nghị định 112): Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi sau:
1. Gây rối trật tự công cộng.
2. Gây thương tích cho người khác.
3. Người có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì bà L đã không thuộc trường hợp phải bị “áp giải hay tạm giữ” theo thủ tục hành chính, cho dù bà này đang vi phạm hành chính là từ chối xét nghiệm test covid theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Để xử lý một cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, hiện nay chúng ta đã có các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế...Trong đó có những nội dung, điều khoản đã được quy định rất cụ thể.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, nếu cho rằng người nào đó là tội phạm thì nhà chức trách phải chứng minh được phạm tội và dựa trên cơ sở pháp luật quy định để định tội; nếu người nào đã có dấu hiệu vi hành chính thì họ đã vi phạm về những gì, hành vi vi phạm ra sao, căn cứ quy định pháp luật nào để xử lý hành vi đó? Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ đối chiếu các quy định pháp luật về những vi phạm đó, áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật cho những vi phạm đó cụ thể ra sao để mà áp dụng cho đúng pháp luật.
Nhà chức trách không thể áp dụng và “thi hành pháp luật” một cách tùy tiện, nếu làm sai thì cũng sẽ bị luật điều chỉnh “chế tài” như mọi công dân khác. Về phát ngôn của người có chức trách, người thực thi pháp luật không thể cho rằng vì tình tình dịch bệnh nên “tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch” (?) Nói như vậy là không thể chấp nhận được. Như chúng ta đã biết, trong suốt thời gian vừa qua Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều văn bản Chỉ thị liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh rất kịp thời như: Chỉ thị 15, 16…và gần nhất là Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; còn ở một số địa phương các tỉnh/thành phố cũng ban hành các Quyết định để chỉ đạo, hướng dẫn, thực thi cụ thể về phòng chống dịch bệnh Covid-19 để mọi người áp dụng, chấp hành.
Khi “xử lý” bất cứ vi phạm gì cũng phải đúng quy định pháp luật
Trước tiên, cần khẳng định việc bà L từ chối không chịu xét nghiệm covid (test covid) theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền là đã vi phạm quy định pháp luật, đã vi phạm Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định 117). Tuy nhiên, hành vi của bà L không phải là hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh (bà L hiện cũng không bị dương tính covid và không (chưa) làm lây lan ra cộng đồng). Vì vậy, hành vi vi phạm của bà L là vi phạm hành chính “lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Theo quy định pháp luật thì bà L sẽ bị phạt hành chính về hành vi này theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Điều 7 – khoản 2- điểm 2 a) - Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm; với mức Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Tuy nhiên, khi xử lý vi phạm hành chính của các cá nhân hay tổ chức, Nhà chức trách cũng cần phải tuân thủ theo quy định và trình tự của pháp luật. Cụ thể phải tuân thủ các “nguyên tắc” theo điều 3, khoản 2 của Luật xử lý vi phạm hành chính - “Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính” những quy định này bao gồm: “Nhanh chóng, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định có liên quan… Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…và “việc tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” và “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính” - (điều 3 - Nghị định 112/2013/NĐ-CP)
Về nguyên tắc “áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính” tại điều 120– khoản 1- Luật xử lý vi phạm hành chính quy định nêu rõ “Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các điều từ 120 đến 132 của Luật này, nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật". Và trường hợp của bà L cũng không phải là một trong những trường hợp pháp luật cho phép được “áp giải người vi phạm” đã được quy định tại điều 119 - Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Ngoài ra, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định rất rõ về Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dành cho người vi phạm. Không thể bao biện nói rằng "Chị L. đã ít nhất 3 lần không chịu ra lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Danh sách test Covid-19 cộng đồng của phường Vĩnh Phú nhiều lần không có tên chị..”. Như vậy, nếu bà L đã 3 lần không chấp hành xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì tại sao hành vi vi phạm này vẫn không được xử lý (xử phạt) theo quy định pháp luật? Nếu trước đó, người có thẩm quyền đã phát hiện vi phạm, nhưng lại “bỏ mặc” không ra quyết định xử phạt thì đó là sự thiếu sót, lúc này “lỗi” thuộc lại về người có trách nhiệm.
Như vậy, căn cứ các quy định phát luật thì đối với trường hợp bà L nêu trên, Nhà chức trách không thể lấy lý do bà L không chịu đi xét nghiệm 3 lần rồi bất ngờ tổ chức “cưỡng chế” áp giải đi như một tội phạm như thế. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bà L đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này một lần, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm về hành vi đó, vẫn không chịu đi xét nghiệm theo yêu cầu của chính quyền. Lúc này hành vi đã được xác định với tình tiết tăng nặng, có thể được dùng các biện pháp cưỡng chế để buộc chị này phải đi xét nghiệm và có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng.
Ý kiến bạn đọc