Giao lưu ở Đại Nam: Lấy tên người đặt cho chó, ngựa, có phạm luật?

Chủ nhật - 20/03/2022 05:38
Tại buổi giao lưu ở khu du lịch Đại Nam có mặt bà Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng, công ty này đã tổ chức đua chó, đua ngựa, trong đó lấy tên người đang mâu thuẫn với bà Hằng đặt cho chó, ngựa. Việc này cần được nhìn nhận ra sao?

 

Giao lưu ở Đại Nam: Lấy tên người đặt cho chó, ngựa, có phạm luật? - Ảnh 1.

Buổi đua chó, đua ngựa được tổ chức tại trường đua Đại Nam ngày 19-3 - Ảnh cắt từ clip

Chiều 19-3, khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) tổ chức buổi "giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng" được livestream trên mạng xã hội. 

Buổi giao lưu này có sự tham gia của bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), ông Huỳnh Uy Dũng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) và một số người khác.

Đáng chú ý, trong chương trình có tiết mục đua chó, đua ngựa. Tuy nhiên, các chó đua, ngựa đua được công ty này đặt theo tên của những người đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng như nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh… 

Sự việc gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, nhiều người cũng thắc mắc pháp luật quy định như thế nào về vấn đề trên?

Có thể khởi kiện

Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín trở thành quyền hiến định khi được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Tuy nhiên, hiện nay việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là tình trạng đăng tải thông tin không chính xác, xúc phạm, đả kích người khác xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.

Theo luật sư Cường, các nghệ danh, bút danh, tên gọi riêng như Đức Hiển, Hàn Ni, Vy Oanh… là tên đặc trưng, mang yếu tố phân biệt của các cá nhân, hiện các cá nhân này đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng.

Vì vậy, việc Công ty Đại Nam tổ chức sự kiện, lấy tên những người đang mâu thuẫn đặt cho chó đua, ngựa đua, ví dụ như chó đua Đức Hiển, ngựa đua Hàn Ni, ngựa đua Vy Oanh… cùng những bình luận khiếm nhã là hành vi cố ý sử dụng tên tuổi của những người đang có mâu thuẫn với mình để đặt tên cho chó đua, ngựa đua nhằm mục đích xúc phạm, làm nhục người khác, đăng tải trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục ở nước ta.

Người bị xâm phạm có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.

Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay hình sự về tội làm nhục người khác theo điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Đồng quan điểm, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng pháp luật đã quy định rất rõ ràng về hành vi được xem là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục người khác…

"Tại sao trước giờ Công ty Đại Nam, bà Hằng không đặt tên những thú nuôi bằng những tên gọi đó, mà sau khi bắt đầu có mâu thuẫn trực diện và công khai với những người này thì mới đặt tên họ cho thú nuôi.

Thứ hai, những cái tên Hàn Ni, Đức Hiển, Vy Oanh… là những cái tên nổi tiếng và hầu như dư luận ai cũng biết những người này đang có mâu thuẫn với bà Hằng và đang chờ pháp luật giải quyết.

Có thể có người cho rằng "tôi thích đặt tên gì thì tôi đặt" nhưng theo tôi, có thể đặt là Hồng, Quýt, Bưởi, Cam… bất kỳ. Nhưng nếu gọi 1 con chó hay 1 con ngựa bằng tên người nổi tiếng đang có mâu thuẫn thì điều này là có chủ đích, chứ không phải ngẫu nhiên" - luật sư Đức phân tích.

Theo luật sư Đức, pháp luật nước ta cũng đã quy định rõ ràng về việc đặt tên cho cửa hàng, cửa hiệu… không được dùng tên lãnh tụ, danh nhân. Điều này cho thấy không thể tùy tiện đặt tên riêng cho cửa hàng, cửa hiệu. So sánh này có phần khập khiễng vì những người bị đặt tên không phải lãnh tụ hay danh nhân nhưng cũng là người nổi tiếng.

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà báo Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) cho biết tối qua, không chỉ các cá nhân những người tố cáo bà Hằng bị xúc phạm mà ngay cả cơ quan công an đang thụ lý tố cáo cũng bị vợ chồng bà Hằng đưa ra đấu tố, lên án, gây áp lực.

"Cá nhân tôi là người trực tiếp bị xúc phạm, dĩ nhiên tôi rất bức xúc. Dù vậy, tôi tin là những người cùng bị xúc phạm như tôi tối qua sẽ luôn chọn cách phản ứng phù hợp, đúng pháp luật và đúng văn hóa.

Sự việc tối qua không chỉ bôi xấu cá nhân, mà tôi cho rằng chính quyền địa phương cũng sẽ phải có biện pháp, phản ứng phù hợp. Bởi đây không phải là lần đầu có những cuộc livestream bôi bẩn, xúc phạm tổ chức, cá nhân, do bà Hằng thực hiện tại Bình Dương.

Chậm xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn, sự công khai vi phạm pháp luật và bôi bẩn văn hóa như thế này sẽ thành tiền lệ", ông Hiển cho biết.

Còn nhà báo Đặng Thị Hàn Ni (phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng) cho rằng đây không phải lần đầu tiên cá nhân bà và những người khác bị xúc phạm, nhục mạ. Việc cơ quan chức năng chậm xử lý, không có biện pháp can thiệp kịp thời đã làm cho sự việc ngày càng đi quá xa, làm lệch chuẩn văn hóa, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đi ngược lại văn hóa ứng xử
Ông Trần Ẩn Tuấn - chuyên gia nghiên cứu và giáo dục trẻ em - cho rằng từ xưa, người Việt đã biết "kị húy", tức là không được phép gọi thẳng tên những người lớn tuổi hơn mà gọi bằng ngôi thứ, điều này biểu trưng cho nét văn hóa trong gia đình và cả giao tiếp ngoài xã hội. Ví dụ: anh Cả, anh Hai, anh Ba... Tên riêng đối với một người là sự tự hào của chính họ do được ông bà, cha mẹ... đặt cho.
Ở một thời đại văn minh hơn, khi tự hào hoặc yêu quý ai đó, họ thường trang trọng đặt theo tên, họ người mình yêu quý như một sự trân trọng. Đó là văn hóa chung của nhân loại.
Khi danh tính của một người được kéo xuống đánh đồng tên gọi của súc vật, ám chỉ sự nguyền rủa của mình với người khác một cách công khai nơi công cộng, với văn hóa Việt, điều này không dừng lại ở sự nhục mạ mà còn xúc phạm nhân phẩm người khác. Hành vi đó đi ngược với văn hóa ứng xử của người Việt, đi ngược lại sự phát triển văn hóa.
Tận cùng của sự miệt thị cho thấy tâm lý con người bắt đầu rơi vào dã man. Đây không đơn giản là lỗi trong ứng xử hay là sự lệch lạc trong nhận thức, mà người sai phạm đã cố ý chống lại văn hóa đạo đức, làm méo mó cộng đồng một cách có chủ đích, đi ngược lại sự văn minh.
Mạng xã hội cũng có những tiêu chuẩn đạo đức cộng đồng cần phải được tuân thủ, không phải ai cũng có thể mang "rác" vứt lên. Chính vì vậy, vấn đề này phải được cơ quan chức năng can thiệp. Nếu không nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu.
H.VY ghi
Tác giả: Admin, NGUYỄN VŨ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây