Hoàn thiện quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại năm 2005

Thứ tư - 16/07/2025 10:12
Bài viết nhằm mục đích hệ thống, phân tích các quy định hiện hành trong Luật Thương mại 2005 về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa; chỉ ra những bất cập trong các quy định này; đồng thời đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi.
Hoàn thiện quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại năm 2005

 

Đặt vấn đề

Hợp đồng mua bán hàng hóa (HĐMBHH) là công cụ pháp lý giúp chuyển giao hàng hóa và quyền sở hữu từ bên bán sang bên mua, đóng vai trò trung tâm trong việc điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các chủ thể, thúc đẩy trao đổi kinh tế và phát triển thị trường. Tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 (Luật TM) đã thiết lập một khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các quan hệ này, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐMBHH. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật đã bộc lộ những bất cập trong quy định pháp luật mà trong đó có bao gồm các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐMBHH.

3y4u

LS - ThS. LÊ KIÊN LƯƠNG - Giám đốc Công ty Luật Thiên Hương

1. Khái quát về hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của Luật Thương mại năm 2005

Luật TM không định nghĩa cụ thể về HĐMBHH, tuy nhiên tại khoản 8 Điều 3 Luật này có đưa ra khái niệm về hoạt động mua bán hàng hóa. Theo đó, “mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”.

Về khung pháp lý chung, tuy Luật TM không trực tiếp định nghĩa “hợp đồng mua bán hàng hóa”, nhưng trên cơ sở quy định của BLDS 2015 có thể nhận diện bản chất của hợp đồng này. Cụ thể, Điều 430 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”. Mặc dù thuật ngữ và phạm vi áp dụng có khác biệt giữa hợp đồng mua bán tài sản và HĐMBHH trong thương mại, nhưng về bản chất, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên là tương đồng: bên bán giao đối tượng hợp đồng cùng quyền sở hữu và nhận tiền; bên mua nhận đối tượng hợp đồng và trả tiền. Điểm khác biệt cơ bản và cũng là mấu chốt của HĐMBHH trong thương mại nằm ở chủ thể giao kết của hợp đồng cũng như tính chất kinh doanh, với mục đích hướng tới sinh lợi và đối tượng hàng hóa cụ thể hơn so với quy định chung về tài sản.

2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại năm 2005

2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên bán

Luật TM quy định nhiều nghĩa vụ cụ thể đối với bên bán nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng một cách chính xác và bảo vệ quyền lợi của bên mua.

Một là, nghĩa vụ liên quan đến giao hàng

Giao hàng là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo Luật TM, bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa có nghĩa vụ giao hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; trong trường hợp hợp đồng không quy định chi tiết, các bên phải tuân thủ quy định chung của pháp luật. Nghĩa vụ này bao gồm việc bảo đảm đúng đối tượng, đúng chất lượng và số lượng hàng hóa như đã thỏa thuận; khi nội dung hợp đồng chưa xác định rõ, thì căn cứ vào quy định của pháp luật để đánh giá sự phù hợp, trong đó hàng hóa được coi là không phù hợp nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 39 Luật TM.

- Giao chứng từ kèm theo hàng hóa: Theo quy định tại Điều 42 Luật TM yêu cầu bên bán giao chứng từ liên quan đến hàng hóa (như hóa đơn, giấy chứng nhận xuất xứ) theo thỏa thuận về thời gian, địa điểm và phương thức. Nếu không có thỏa thuận, chứng từ phải được giao trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua nhận hàng.

- Giao hàng đúng thời hạn: Theo Điều 37 Luật TM quy định bên bán phải giao hàng đúng thời điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu chỉ có thời hạn mà không xác định thời điểm cụ thể, bên bán có thể giao bất kỳ lúc nào trong thời hạn đó nhưng phải thông báo trước. Trường hợp không có thỏa thuận, giao hàng phải thực hiện trong thời gian hợp lý sau khi giao kết hợp đồng. Điều 38 Luật TM năm 2005 cho phép bên mua từ chối nhận hàng nếu bên bán giao trước thời hạn mà không có thỏa thuận.

- Giao hàng đúng địa điểm:  Điều 35 Luật TM yêu cầu bên bán phải giao hàng đúng địa điểm đã thỏa thuận. Nếu hợp đồng không quy định cụ thể, địa điểm sẽ được xác định theo quy định mặc định.

- Kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng: Theo Điều 44 Luật TM, nếu các bên có thỏa thuận về việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao, bên bán có nghĩa vụ tạo điều kiện để bên mua hoặc người đại diện tiến hành kiểm tra, không được cản trở hoạt động này. Trường hợp bên mua đã thực hiện kiểm tra nhưng không phát hiện được khuyết tật, bên bán vẫn phải chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết không thể phát hiện trong quá trình kiểm tra. Ngược lại, nếu bên mua không thực hiện việc kiểm tra theo thỏa thuận, bên bán được quyền tiếp tục giao hàng theo hợp đồng.

Hai là, nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hóa

Theo quy định tại Điều 45 Luật TM người bán có trách nhiệm bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa khi chuyển giao cho người mua. Cụ thể, người bán phải cam kết rằng việc chuyển giao quyền sở hữu không vi phạm pháp luật và không gây tranh chấp với bất cứ bên thứ ba nào.

Về quyền sở hữu trí tuệ, theo quy định tại Điều 46 Luật TM, người bán tuyệt đối không được giao dịch hàng hóa xâm phạm bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu hoặc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của bên thứ ba. Người bán chịu trách nhiệm đối với mọi tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ phát sinh từ hàng hóa đã bán. Trường hợp người mua yêu cầu người bán thực hiện theo bản vẽ, thiết kế, công thức hoặc số liệu kỹ thuật do người mua cung cấp, mọi khiếu nại về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc tuân thủ các yêu cầu này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người mua.

Ba là, nghĩa vụ bảo hành hàng hóa

Theo quy định tại Điều 49 Luật TM, trong trường hợp hàng hóa mua bán có kèm theo điều kiện bảo hành, bên bán có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ bảo hành theo nội dung và thời hạn đã được các bên thống nhất. Nghĩa vụ này phải được bên bán hoàn thành trong khoảng thời gian tối thiểu mà hoàn cảnh thực tế cho phép. Về chi phí, bên bán chịu toàn bộ các khoản liên quan đến việc bảo hành, trừ khi tồn tại thỏa thuận khác giữa các bên.

Bốn là, nghĩa vụ của bên bán trong trường hợp hàng hóa là đối tượng của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Trong trường hợp hàng bán thuộc đối tượng áp dụng biện pháp bảo đảm dân sự (ví dụ đang bị thế chấp), bên bán phải thông báo cho bên mua và được sự đồng ý của bên nhận bảo đảm trước khi giao hàng (Điều 48 Luật TM).

Năm là, các quyền cơ bản của bên bán trong Hợp đồng mua bán hàng hóa

Về bản chất, hợp đồng mua bán hàng hóa là loại hợp đồng song vụ. Theo đó, mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau, và quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia. Do đó, hiện nay Luật TM 2005 không có các điều khoản quy định cụ thể về quyền của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa mà các quyền này được lồng ghép vào các nghĩa vụ đối ứng của bên còn lại. Theo đó, quyền cơ bản của bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm: quyền được trả đủ, đúng hạn, các khoản tiền mua hàng; quyền được yêu cầu bên mua hợp tác thực hiện nghĩa vụ; quyền giữ lại chứng từ cho đến khi nhận đủ thanh toán.

Ngoài ra, bên bán còn có các quyền được pháp luật bảo vệ chung quy định cụ thể tại Luật TM 2005 như: quyền khởi kiện yêu cầu buộc thực đúng hiện hợp đồng (Điều 297), quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 302), quyền yêu cầu phạt vi phạm trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng (Điều 300), quyền yêu cầu tiền lãi cho chậm thanh toán (Điều 306), quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng (Điều 308), đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 310), tuyên bố hủy bỏ hợp đồng (Điều 312).

Nhìn chung, Luật TM quy định khá đầy đủ các nghĩa vụ và quyền đối với bên bán nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng hợp đồng mua bán hàng hóa mà các bên đã thỏa thuận, bảo đảm quyền lợi cho cả bên bán và bên mua.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên mua

2.2.1. Nghĩa vụ của bên mua

Bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa có các nghĩa vụ phải thực hiện cũng như các quyền lợi được hưởng. Các quy định chủ yếu của Luật TM 2005 đối với bên mua bao gồm:

- Về nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng: Đây là nghĩa vụ cốt lõi của bên mua. Khoản 1 Điều 50 Luật TM quy định rõ “bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận”. Bên mua phải thực hiện thanh toán đúng số tiền, đúng phương thức (tiền mặt, chuyển khoản, tín dụng thư…) và đúng thời hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu chậm thanh toán, có thể phải chịu lãi hoặc phạt.

- Về nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận thanh toán: Bên mua cần tuân thủ phương thức và thời hạn thanh toán đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Nếu bên mua chậm hoặc từ chối thanh toán không có lý do chính đáng, sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng.

- Về nghĩa vụ nhận và kiểm tra hàng hóa: Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và hỗ trợ bên bán giao hàng. Cụ thể, Điều 56 Luật TM năm 2005 quy định: “bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng”. Điều này có thể bao gồm các công việc: cho bên bán hoặc đơn vị vận chuyển tiếp cận địa điểm nhận hàng, ký biên bản giao nhận, kiểm tra số lượng... Cùng với đó, theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 44 Luật TM sau khi nhận hàng, bên mua cũng có trách nhiệm thông báo ngay cho bên bán nếu phát hiện khuyết tật nào về hàng hóa.

2.2.2. Về quyền của bên mua

Luật TM cũng trao một số quyền quan trọng nhằm bảo vệ người mua khi bên bán vi phạm, cụ thể:

- Quyền từ chối nhận hàng không phù hợp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật TM nếu hàng hóa giao đến không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng hoặc điều kiện bảo quản như đã thỏa thuận, bên mua có quyền từ chối nhận hàng ngay tại thời điểm giao. Điều luật nêu rõ trong trường hợp không có quy định cụ thể, hàng hóa được coi là không phù hợp khi không đạt mục đích sử dụng thông thường hoặc mục đích cụ thể mà bên mua đã thông báo, không bảo đảm chất lượng như mẫu đã giao... Trong trường hợp này bên mua có thể từ chối tiếp nhận hoặc yêu cầu bên bán sửa chữa, thay thế.

- Quyền đối với hàng thừa, thiếu: Theo Điều 43 Luật TM, nếu bên bán giao thừa (giao nhiều hơn hợp đồng), bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó. Nếu chấp nhận, bên mua chỉ phải thanh toán theo giá đã thỏa thuận cho số hàng thừa. Ngược lại, nếu bên bán giao thiếu hàng, Điều 41 cho phép bên mua yêu cầu bên bán giao bổ sung hoặc khắc phục (trừ khi có thỏa thuận khác).

- Quyền đình chỉ thanh toán trong các trường hợp nhất định: Điều 51 Luật TM liệt kê các tình huống bên mua có bằng chứng xác thực thì có quyền tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng. Trong những trường hợp này, bên mua có thể tạm ngừng thanh toán cho đến khi tình trạng sai phạm được khắc phục. Tuy nhiên, nếu đột ngột đình chỉ thanh toán mà bên mua không có chứng cứ xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại và chịu chế tài khác.

- Quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại: Luật TM năm 2005 cũng ghi nhận quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên bán vi phạm các điều kiện đã thỏa thuận (Điều 313, Điều 314). Nếu bên bán giao hàng chậm hoặc không đúng chất lượng, bên mua có thể hủy hợp đồng, yêu cầu trả lại khoản tạm ứng và/hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nhìn chung, Luật TM xây dựng đầy đủ nghĩa vụ của bên mua, song cũng mở rộng quyền cho bên mua trong tranh chấp.

3. Một số bất cập trong quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa

Về cơ bản, Luật TM 2005 quy định khá chi tiết các quyền và nghĩa vụ của các bên, tuy nhiên tác giả nhận thấy còn một số thiếu sót, bất cập trong các quy định này. Cụ thể:

Thứ nhất, thiếu khái niệm cụ thể về HĐMBHH:

Luật TM năm 2005 không có khái niệm riêng về “hợp đồng mua bán hàng hóa”, mà chỉ đưa ra khái niệm chung về hoạt động mua bán hàng hóa. Vì vậy, khi áp dụng cần phải viện dẫn Điều 385, Điều 430 BLDS 2015 để xác định hiệu lực hợp đồng trong khi HĐMBHH trong thương mại có mục đích cốt yếu là nhằm mục đích sinh lợi, đồng thời đòi hỏi các bên phải là thương nhân (có đăng ký kinh doanh), có bản chất hoàn toàn không hoàn toàn đồng nhất với hợp đồng mua bán tài sản. Khi giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến HĐMBHH thương mại phải áp dụng các quy định của Luật TM.

Việc không có khái niệm chính thức khiến cơ quan nhà nước và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phân biệt HĐMBHH thương mại với hợp đồng mua bán tài sản dân sự. Điều này dẫn đến trở ngại trong việc áp dụng pháp luật và khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện nghĩa vụ cũng như bảo vệ quyền lợi của mình trong các hợp đồng.

Thứ hai, Luật TM đang hạn chế sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐMBHH:

Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên được căn cứ, xác định vào thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật TM 2005 quy định: “Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật”. Phân tích cho thấy từ ngữ “pháp luật” ở đây bao gồm toàn bộ hệ thống (luật và các văn bản dưới luật), nghĩa là các cam kết sẽ bị coi là trái pháp luật và có khả năng bị vô hiệu nếu vi phạm bất kỳ quy định chi tiết nào, thậm chí ở nghị định, thông tư. Trong khi đó, BLDS năm 2015 chỉ yêu cầu hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật (Điều 123 BLDS) và tôn trọng tự do thỏa thuận. Luật TM 2005 dùng khái niệm rộng hơn, điều này có thể tạo rủi ro cao cho hợp đồng thương mại bị coi là vi phạm pháp luật một cách dễ dàng và có thể bị vô hiệu.

Thứ ba, nghĩa vụ của các bên trong Luật TM 2005 chưa được thể hiện một cách cụ thể và rõ ràng.

Trong Luật TM 2005, các quy định về nghĩa vụ của các bên trong HĐMBHH được bố trí rải rác qua nhiều điều khoản khác nhau, thiếu tính hệ thống và tập trung. Chẳng hạn, nghĩa vụ giao hàng của bên bán không được quy định một cách đầy đủ trong một điều luật duy nhất mà bị phân chia qua nhiều điều khoản riêng lẻ (ví dụ: Điều 34, Điều 35, Điều 37, Điều 39...). Sự phân tán này tạo ra sự thiếu nhất quán trong cấu trúc pháp lý, gây khó khăn cho các bên khi xác định và thực thi quyền cũng như nghĩa vụ của mình trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Trong BLDS Pháp, các điều khoản về nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng mua bán được liệt kê cụ thể tại từng chương. Cụ thể trong Chương VI về Hợp đồng mua bán, các điều khoản về nghĩa vụ của bên bán được liệt kê tại Chương IV, còn các điều khoản về nghĩa vụ của bên mua được liệt kê cụ thể tại Chương V[1].

Những hạn chế nêu trên dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các bên tham gia hợp đồng, từ đó làm gia tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp và cản trở hiệu quả của việc thực thi pháp luật trong các giao dịch thương mại.

Thứ tư, quy định của Luật TM 2005 về quyền và nghĩa vụ liên quan đến bảo hành hàng hóa bộc lộ những thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo tính đầy đủ và phù hợp với bản chất đặc thù của các giao dịch thương mại.

Mặc dù Điều 49 của Luật này đã đề cập đến nghĩa vụ bảo hành hàng hóa tuy nhiên quy định tại điều luật lại mang tính chất chung chung, chưa cụ thể. Theo đó, Luật TM 2005 không quy định chi tiết đối với những vấn đề liên quan đến bảo hành hàng hóa như quyền yêu cầu bảo hành, phương thức thực hiện nghĩa vụ bảo hành, hoặc các thiệt hại phát sinh trong thời hạn bảo hành. Do đó, khi có nhu cầu các bên có thể áp dụng các quy định tương ứng của BLDS năm 2015, cụ thể từ Điều 446 đến Điều 448.

Bên cạnh đó, Luật TM 2005 cũng chỉ giới hạn ở trường hợp các bên có thỏa thuận về bảo hành mà không đưa ra bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào nhằm điều chỉnh quyền yêu cầu bảo hành của bên mua cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm bảo hành của bên bán trong các trường hợp HĐMBHH không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ.

Những sự thiếu hụt này không chỉ làm giảm tính khả thi và hiệu lực của quy định mà còn đẩy các bên vào tình thế phải viện dẫn pháp luật dân sự để giải quyết, gây ra những bất cập đáng kể.

Thứ năm, quy định về một số quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán còn khá mơ hồ.

Điều 56 Luật TM 2005 quy định về nghĩa vụ thực hiện những công việc hợp lý của bên mua nhằm hỗ trợ bên bán trong việc giao hàng. Tuy nhiên, Luật không giải thích “công việc hợp lý” là gì, và nếu bên mua không thực hiện những công việc này có được coi là một trong những hành vi vi phạm nghĩa vụ dẫn đến đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng hay không. Điều này đã dẫn đến khó khăn cho các bên trong việc xác định cụ thể những hành vi hoặc trách nhiệm mà bên mua cần thực hiện.

Đối với quy định về quyền xử lý vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng: Mặc dù Luật TM 2005 đã dành một chương riêng (từ Điều 292 đến Điều 308) để điều chỉnh các quyền xử lý vi phạm hợp đồng của các bên, song các quy định này chưa đạt được mức độ rõ ràng và cụ thể cần thiết để bảo đảm tính chặt chẽ trong áp dụng. Ví dụ, Điều 308 cho phép tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi bên kia vi phạm cơ bản, đồng thời Điều 293 nghiêm cấm tạm ngừng hoặc đình chỉ đối với vi phạm không cơ bản. Tuy nhiên, khái niệm “vi phạm cơ bản” tại khoản 13 Điều 3 chỉ định nghĩa chung chung là “gây thiệt hại đến mức không đạt được mục đích hợp đồng” mà không đưa ra tiêu chí cụ thể hay trường hợp mẫu để xác định, dẫn đến khó khăn trong đánh giá thực tiễn. Như vậy, Luật chỉ dừng lại ở việc đưa ra định nghĩa cho vi phạm cơ bản mang tính chung chung, thiếu các tiêu chí cụ thể hoặc các trường hợp điển hình để làm cơ sở xác định hành vi vi phạm cơ bản, từ đó gây khó khăn trong việc đánh giá và áp dụng thực tế. Thêm vào đó, quy định không làm rõ thiệt hại phải là tổn thất vật chất có thể chứng minh hay chỉ cần việc không đạt mục đích hợp đồng, gây mơ hồ và kéo dài tranh chấp.

Khi đối chiếu với chuẩn mực quốc tế, khoản 2 Điều 7.3.1 của Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) cung cấp một cách tiếp cận cụ thể, chi tiết hơn bằng việc liệt kê rõ ràng năm trường hợp cụ thể để xác định vi phạm cơ bản[2].

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Trên cơ sở phân tích, đánh giá quy định hiện hành và thực tiễn áp dụng, bài viết đề xuất một số giải pháp pháp lý nhằm hoàn thiện các quy định của Luật TM về quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐMBHH như sau:

Thứ nhất, Luật TM cần bổ sung định nghĩa HĐMBHH.

Việc Luật TM 2005 chưa có định nghĩa cụ thể về HĐMBHH đã và đang dẫn đến nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước. Do vậy, Luật TM nên được sửa đổi, bổ sung một Điều khoản giải thích từ ngữ để định nghĩa rõ “hợp đồng mua bán hàng hóa thương mại” (ví dụ: “là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên, trong đó hàng hóa được chuyển giao nhằm mục đích sinh lợi, ít nhất một bên là thương nhân…”). Việc này sẽ giúp phân biệt rõ hợp đồng mua bán thương mại với hợp đồng mua bán tài sản dân sự thông thường và áp dụng chính xác các quy định riêng của Luật TM khi phát sinh tranh chấp.

Thứ hai, cần bảo đảm nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên khi giao kết HĐMBHH.

Điều 11 Luật TM vẫn bó hẹp về quyền tự thỏa thuận của các chủ thể trong khuôn khổ “quy định của pháp luật” là chưa không còn phù hợp với sự phát triển của pháp luật mà minh chứng là sự thay đổi của BLDS 2015. Việc BLDS 2015 chỉ yêu cầu hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật (Điều 123 BLDS) và tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên trong khi Luật TM dùng khái niệm rộng hơn, điều này tạo rủi ro cao cho hợp đồng thương mại bị coi là trái pháp luật và vô hiệu một cách dễ dàng. Do đó, đề xuất sửa đổi Điều 11 Luật TM 2005 theo quy định tương tự Điều 123 BLDS 2015: hợp đồng chỉ vô hiệu khi vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Cụ thể, Luật TM cần xác định rõ “điều cấm của luật” (quy định của đạo luật) làm căn cứ vô hiệu, tránh hiểu rộng bao gồm các nghị định, thông tư. Việc này vừa bảo đảm quyền tự do thỏa thuận của thương nhân, vừa phù hợp nguyên tắc không hình thức hóa quá mức trong việc xác định tính hợp pháp của giao dịch, tương đồng với quy định chung của BLDS.

Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của bên bán, bên mua cần được quy định rõ ràng và hệ thống một cách hợp lý.

Để tạo sự rõ ràng nhằm dễ dàng áp dụng pháp luật, Luật TM cần sắp xếp lại hệ thống điều khoản về nghĩa vụ của bên bán và bên mua thành từng nhóm hoặc chương riêng biệt (như mô hình của Bộ luật Dân sự Pháp, hay Công ước UNCITRAL (CISG): Chương về nghĩa vụ bên bán, Chương về nghĩa vụ bên mua), giúp người thực hiện dễ tra cứu, nắm vững được những quy định về nghĩa vụ của mình trong HĐMBHH. Những quy định rõ ràng, có hệ thống sẽ giảm thiểu sự lệ thuộc vào diễn giải, đảm bảo các bên biết rõ quyền lợi, từ đó hạn chế tranh chấp.

Thứ tư, cần quy định cụ thể hóa nghĩa vụ bảo hành của bên bán.

Về nguyên tắc, nên xem bảo hành là nghĩa vụ đương nhiên mà không cần phải có thỏa thuận. Bởi lẽ, bảo hành là biện pháp khắc phục những lỗi hỏng hóc, sự cố về kỹ thuật của hàng hóa do lỗi của nhà sản xuất trong quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển...Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ đương nhiên của người cung cấp hàng hóa và đó cũng là một nguyên tắc thông thường trong luật dân sự mà nhiều quốc gia trên thế giới đều ghi nhận. Do đó, Luật TM cần thiết bổ sung một số chế định về bảo hành tối thiểu cho hàng hóa có giá trị lớn trong trường hợp hợp đồng không quy định về bảo hành hoặc các bên thỏa thuận việc bảo hành một cách chung chung.

Thứ năm, cần sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ các điều khoản mơ hồ.

Cần sửa đổi, bổ sung về nghĩa vụ “thực hiện những công việc hợp lý” được quy định tại Điều 56 Luật TM theo hướng chi tiết hóa loại công việc này, tránh việc bất đồng trong xác định những công việc buộc bên mua phải làm cũng như lợi dụng quy định này để vi phạm giao hàng của bên bán. Ví dụ những công việc hợp lý có thể bao gồm việc hỗ trợ tiếp cận địa điểm giao hàng, ký biên bản nghiệm thu… Cùng với đó trong khuôn khổ sửa đổi, nên ghi rõ nếu bên mua không thực hiện những công việc này thì coi là vi phạm hợp đồng có thể bị áp dụng biện pháp xử lý (tạm ngừng, hủy, bồi thường).

Về quy định “vi phạm cơ bản” đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn. Có thể tham khảo cách định nghĩa “vi phạm cơ bản” theo Công ước CISG 1980 (“thiệt hại đủ lớn làm bên kia bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng”) [3]và Nguyên tắc UNIDROIT (PICC) Điều 7.3.1 liệt kê các tiêu chí xác định (không thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ, vi phạm cố ý, dẫn đến mất niềm tin vào việc thực hiện tiếp …).

Việc quy định chi tiết các tiêu chí này sẽ giúp các bên chủ động áp dụng cũng như cơ quan xét xử nhận diện vi phạm cơ bản một cách công bằng, khách quan phù hợp thông lệ quốc tế.

Kết luận

Tóm lại, Luật TM 2005 đã xây dựng khung quyền - nghĩa vụ cơ bản cho bên bán và bên mua, song qua thực tiễn và phân tích còn bộc lộ nhiều điểm cần hoàn thiện về khái niệm, nguyên tắc và sự phù hợp với yêu cầu thương mại hiện đại. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong chương trình xây dựng pháp luật là cấp thiết để tạo dựng hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ, bảo đảm bình đẳng và trách nhiệm trong giao kết HĐMBHH, từ đó nâng cao hiệu quả thương mại và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

 

LS - ThS. LÊ KIÊN LƯƠNG - Giám đốc Công ty Luật Thiên Hương

Nguồn: Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN (TAND TỐI CAO)

 

 

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Minh Phú, Vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ nguyên tắc PICChttps://lsvn.vn/vi-pham-hop-dong-theo-quy-dinh-cua-luat-thuong-mai-2005-va-bo-nguyen-tac-picc1658240480-a121444.html, truy cập ngày 01/7/2025;
2. Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2010 (PICC), Art 7.3.1, Cl.2, “Right to terminate the contract”;
3. Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), Chapter I, Article 25, “A breach of contract committed by one of the parties is fundamental if it results in such detriment to the other party as substantially to deprive him of what he is entitled to expect under the contract, unless the party in breach did not foresee and a reasonable person of the same kind in the same circumstances would not have foreseen such a result”.

[1] Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
[2] PICC, Art 7.3.1, Cl. 2, “Right to terminate the contract”.

 

Tác giả: Admin

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây