Theo Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, những năm qua, cùng với phát triển sản xuất công nghiệp, Đồng Nai luôn chú trọng tới phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Trong đó, Đồng Nai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Đồng Nai nói chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng vẫn còn hạn chế: sản xuất về cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, manh mún. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, nhất là áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm còn ít...
Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ và tạo được sự phát triển bứt phá, bà Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai hiến kế 5 giải pháp cần thực hiện: Thứ nhất, người nông dân cần được cung cấp, giáo dục - đào tạo bài bản về các phương pháp nông nghiệp hữu cơ để có thể chuyển đổi và quản lý các hệ thống sản xuất hữu cơ.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cung ứng hiệu quả, bao gồm việc kết nối người nông dân với các thị trường tiêu dùng và hệ thống phân phối. Điều này giúp người nông dân tiếp cận các kênh tiêu thụ một cách hiệu quả hơn. Cần xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và phân phối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Thứ ba, cần đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ có uy tín trong việc sản xuất thực phẩm hữu cơ chất lượng cao của doanh nghiệp. Tiếp cận tốt hơn thị trường nội địa và quốc tế là cơ hội quan trọng để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm hữu cơ, tạo thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Thứ tư, cần triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đã ban hành, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ.
Thứ năm, các địa phương cần phải phát triển, bảo vệ và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp, bảo đảm không bị ô nhiễm hóa chất từ bên ngoài đối với vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được xác định theo Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030.
Qua Hội nghị, hầu hết ý kiến tham luận của các đại biểu đều thống nhất quan điểm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh...
Đồng thời, đề xuất các giải pháp liên quan đến việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của TW, tỉnh tới các chủ trang trại, các doanh nghiệp và người dân; tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; tăng cường phổ biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các ngành chức năng và địa phương sớm rà soát, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các hộ nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận với các vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Điều chỉnh quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục hỗ trợ, …
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương Đồng Nai, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm một số đề xuất của đại biểu, đồng thời, thông tin về chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong những năm tới.
Trong đó, khẳng định, tỉnh Đồng Nai tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ về vốn, tích tụ ruộng đất, thủy lợi, điện, cây con giống, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và hộ dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững...
Châu Phụng
Ý kiến bạn đọc