Tranh chấp 1,08m2 đất đã có chủ quyền, bốn phiên tòa xét xử chưa xong(!?)

Thứ tư - 18/05/2022 04:52
Tranh chấp 1,08m2 đất đã có chủ quyền, qua 7 năm, với 4 phiên tòa xét xử vẫn chưa có hồi kết, khiến các đương sự liên tục kêu cứu tới cơ quan chức năng…

 

Nội dung vụ án

Ngày 21/1/2015, ông Nguyễn Bắc Vĩnh và ông Phạm Hải nhận chuyển nhượng 337m2 đất và tài sản trên đất, có một ngôi nhà 3 tầng của ông Trần Đức Thảo và bà Nguyễn Thị Kim Hoan, tại thửa đất số 192, tờ bản đồ số 8, tọa lạc tại khối 12 thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thửa đất trên đã được UBND huyện Hương Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số: AH802571 ngày 29/12/2008. Nguồn gốc đất do ông Thảo nhận chuyển nhượng của ông Trần Hữu Vần và bà Nguyễn Thị Đào năm 1998, ở ổn định từ năm1999 đến năm 2015, không tranh chấp với ai, có tứ cận rõ ràng.

Sau đó, ông Vĩnh và ông Hải chia đôi, ông Vĩnh lấy phần đất có nhà 3 tầng sát bờ rào của ông Nguyễn Tiến Hiệp; ông Hải lấy phần đất còn lại. Khi UBND thị trấn Phố Châu đến kiểm tra thực địa thì thửa đất còn lại là: 327,3m2 thiếu 9,7m2 so với sổ đỏ của ông Thảo, nhưng ông Vĩnh và ông Hải chấp nhận thiếu 9,7m2 để sớm hoàn tất thủ tục. Đến tháng 9/2015, UBND huyện Hương Sơn cấp sổ đỏ số: BY461712 cho ông Vĩnh và sổ đỏ số: BY461713 cho ông Hải.

Tranh chấp 1,08m2 đất đã có chủ quyền, bốn phiên tòa xét xử chưa xong(!?)
Giấy viết tay có nội dung: Năm 1992 bà Đặng Thị Lân (vợ ông Hiệp) nhận chuyển nhượng của ông Trần Hữu Vần 39,5m2 đất (rộng 2m x dài 19,75m) tiếp giáp Quốc lộ 8A

Có sổ đỏ, ông Vĩnh triển khai sửa kiốt để kinh doanh. Cùng lúc này, gia đình ông Hiệp chứng minh cho ông Vĩnh một tờ giấy viết tay có nội dung: Năm 1992, bà Đặng Thị Lân (vợ ông Hiệp) nhận chuyển nhượng của ông Trần Hữu Vần 39,5m2 đất (rộng 2m x dài 19,75m) tiếp giáp Quốc lộ 8A, với giá tiền 1 triệu đồng.

Dựa vào tờ giấy viết tay trên, ông Hiệp kiện ông Vĩnh ra TAND huyện Hương Sơn, với 3 yêu cầu: Hủy sổ đỏ của ông Vĩnh; buộc ông Vĩnh đền 120 triệu đồng về phần công trình ông Hiệp xây dựng bồn nước lấn sang phần không gian trên đất ông Vĩnh và buộc ông Vĩnh trả lại 3,95m2 đất tiếp giáp Quốc lộ 8A.

Ngày 5/8/2016, TAND huyện Hương Sơn mở phiên tòa sơ thẩm. Với Bản án số 03/2016/DSST, Hội đồng xét xử (HĐXX) bác đơn khởi kiện của gia đình ông Hiệp, chấp nhận đơn phản tố của ông Vĩnh; buộc gia đình ông Hiệp tháo dỡ phần xây dựng bồn nước, mái tôn, ống dẫn nước lấn sang phần không gian đất của ông Vĩnh; gia đình ông Hiệp không đồng ý và làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh.

Ngày 11/4/2017, với Bản án số 07/2017/DSPT, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên xử: Hủy Bản án sơ thẩm số 03/2016/DSST ngày 5/8/2016 của TAND huyện Hương Sơn; giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Tranh chấp 1,08m2 đất đã có chủ quyền, bốn phiên tòa xét xử chưa xong(!?)
Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của gia đình ông Nguyễn Bắc Vĩnh

Ngày 28/5/2020, TAND huyện Hương Sơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2, bản chất vụ án cũng không có gì thay đổi so với phiên tòa ngày 5/8/2016 nhưng TAND huyện Hương Sơn không tuyên án mà chuyển vụ án dân sự này lên Tòa án cấp trên để giải quyết.

Ngày 23/9/2021, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên tòa sơ thẩm. Với Bản án số: 15/2021/DSST, HĐXX chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn ông Hiệp và không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vĩnh. Theo đó, HĐXX buộc gia đình ông Vĩnh tháo dỡ một phần xây dựng nhô ra, trả lại không gian từ lòng đất theo chiều thẳng đứng có chiều dài 9,05m, chiều rộng 0,12m = 1,08m2 cho nguyên đơn. Đồng thời, buộc ông Vĩnh đền bù 2.500.000 đồng cho nguyên đơn về phần ông Hiệp xây dựng mà ông Vĩnh đã tháo dỡ và tuyên hủy sổ đỏ số: BY 461712 của ông Vĩnh.

Ông Vĩnh bức xúc và không đồng tình với toàn bộ bản án nói trên, vì bản án đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Thứ nhất, Tòa buộc gia đình ông Vĩnh tháo dỡ phần xây dựng nhô ra trên cao, trả lại diện tích lòng đất phần không gian theo chiều thẳng đứng, có chiều dài 9,05m, chiều rộng 0,12m cho nguyên đơn là hoàn toàn không có căn cứ. Bởi nhà ông Vĩnh ba tầng, do ông Thảo xây dựng kiên cố từ năm 1999, gia đình ông Thảo ở ổn định 16 năm (1999 - 2015) không có tranh chấp với ai. Hơn nữa, đã có một bức tường rào gia đình ông Hiệp xây từ năm 1992 để làm ranh giới (bức tường đó không tranh chấp). Cùng với đó, diện tích ông Vĩnh xây dựng nhô ra trên đất có chiều rộng 0,12m x dài 9,05m = 1,08m2 mà Tòa buộc ông Vĩnh trả cho nguyên đơn hoàn toàn nằm trong sổ đỏ của ông Vĩnh (165,7m2, trong đó 150m2 đất ở và 15,7m2 đất trồng cây lâu năm). Hơn thế, 1,08m2 đất nêu trên hoàn toàn nằm ngoài bức tường rào của nguyên đơn. Mặt khác, đất của ông Hiệp, không tính phần Tòa tuyên ông Vĩnh phải trả trả 1,08m2 cũng đã thừa so với sổ đỏ của ông Hiệp.

Thứ hai, Tòa tuyên chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn là: 2.500.000 đồng là hoàn toàn không có căn cứ; trong khi Hội đồng định giá cho biết, ông Vĩnh tháo dỡ phần diện tích ông Hiệp xây nhô ra che trên đất ông Vĩnh chỉ thiệt hại 240.680 đồng.

Năm 1993, gia đình ông Hiệp tận dụng bức tường rào làm bức tường nhà bếp; trước đó, ông Hiệp xây bức tường này để làm ranh giới. Ông Hiệp đã xây dựng nhà bếp lấn sang phần không gian đất ông Vần rộng 0,2m, dài 9,05m (thời điểm này đất của ông Vĩnh đang thuộc sự dụng của ông Vần).

Năm 1999, ông Vần sang nhượng đất cho ông Thảo; ông Thảo tiếp tục xây nhà và tháo dỡ phần diện tích ông Hiệp xây lấn nhưng ông Thảo tháo dỡ chưa hết. Sau đó, ông Thảo sang nhượng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Vĩnh; ông Vĩnh tiếp tục tháo gỡ phần còn lại.

Thứ ba, Tòa tuyên hủy sổ đỏ của ông Vĩnh cũng không phù hợp, vì UBND huyện Hương Sơn đã cấp sổ đỏ cho ông Vĩnh là đúng theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không ảnh đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.

Quá trình chuyển nhượng sử dụng đất từ ông Vần sang ông Thảo không xảy ra tranh chấp với nguyên đơn, đến khi ông Vĩnh sử dụng, thì nguyên đơn kiện ông Vĩnh ra tòa với lí do ông Vĩnh “lấn chiếm đất”.

Còn về phần mái tôn, ống dẫn nước gia đình ông Hiệp lợp, lắp năm 2015 lấn sang phần không gian đất của ông Vĩnh; ông Vĩnh đã có đơn phản ánh, nhưng Tòa không đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề này.

Qua đó cho thấy Bản án sơ thẩm số: 15/2021/DSST ngày 23/9/2021 của TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thể hiện có dấu hiệu thiếu khách quan, minh bạch, nhiều mâu thuẫnn

Tranh chấp 1,08m2 đất đã có chủ quyền, bốn phiên tòa xét xử chưa xong(!?)
Nhà ông Vĩnh (phía bên trái) xây dựng có phần nhô ra trên cao nằm trong GCNQSDĐ của ông Vĩnh và nhà ông Hiệp phía bên phải

Việc xét xử có nhiều dấu hiệu “khuất tất”?

Một, Tại bản án sơ thẩm số: 15/2021/DSST ngày 23/9/2021 của TAND tỉnh Hà Tĩnh, thể hiện có sự sang nhượng quyền sử dụng 39,5m2 đất (rộng 2m x dài 19,75m) giữa ông Trần Hữu Vần và ông Nguyễn Tiến Hiệp, thể hiện bằng giấy viết tay ngày 20/6/1992.

Xin nói rõ thêm: Ngày 20/6/1992, ông Nguyễn Tiến Hiệp nhận chuyển nhượng bằng giấy viết tay 187m2 đất (rộng 9,5m x dài 19,75m) tiếp giáp Quốc lộ (QL) 8A của ông Trần Văn Qúy; và cùng ngày 20/6/1992, gia đình ông Hiệp cũng cho rằng nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Trần Hữu Vần, bà Nguyễn Thị Đào 39,5m2 đất (rộng 2m x dài 19,75m) tiếp giáp QL 8A (một ngày ông Hiệp nhận chuyển nhượng 2 phần đất của cả hai nhà).

Vậy tại sao 187m2 đất ông Quý chuyển nhượng cho ông Hiệp được kê khai làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); còn 39,5m2 đất gia đình ông Hiệp nhận chuyển nhượng từ ông Vần thì ông Hiệp không kê khai làm thủ tục cấp sổ đỏ? Tại sao gia đình ông Hiệp chỉ kiện 3,95m2 đất từ ông Vĩnh?

Không những thế, đầu năm 2015, UBND thị trấn Phố Châu đến kiểm tra thực địa, nhưng ông Hiệp không xuất trình giấy sang nhượng 39,5m2 đất tiếp giáp QL 8A từ ông Vần, bà Đào để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Trong Giấy sang nhượng quyền sử dụng đất của ông Vần, bà Đào có 2 người kí làm chứng là ông Đinh Văn Cẩn và ông Phạm Hồng Chỉnh. Nhưng ông Chỉnh và vợ ông Chỉnh cho biết: “Cuối năm 2015, ông Hiệp và ông Sách (anh trai của ông Hiệp) ra TP Vinh nhờ ông Chỉnh kí” (tức là sau 23 năm). Tại thời điểm này, ông Vần, bà Đào không còn quyền đối với 39,5m2 đất tiếp giáp QL8A, vì đã chuyển nhượng cho ông Thảo, bà Hoan năm 1998. Hơn nữa, ông Vần chết năm 2009, vợ và con ông Vần cũng khẳng định từ trước đến nay không sang nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình ông Hiệp. Có thể thấy, tại thời điểm đầu năm 2015, gia đình ông Hiệp không có giấy sang nhượng 39,5m2 đất tiếp giáp QL8A. Đến cuối năm 2015, gia đình ông Hiệp mới “sáng tác” giấy sang nhượng viết tay để làm cơ sở tại phiên tòa.

Hai, HĐXX đã không xem xét những chứng cứ, tài liệu có giá trị pháp lí trong hồ sơ như: Sơ đồ kĩ thuật thửa đất năm 2002, đơn xin cấp sổ đỏ năm 2005, biên bản kiểm tra thực địa năm 2006, biên bản kiểm tra xác định nguồn gốc đất sử dụng làm căn cứ để cấp sổ đỏ năm 2006, bảng liệt kê các thửa đất hộ gia đình đang sử dụng năm 2006, trích lục địa chính năm 2007, sổ đỏ cấp năm 2007. Tất cả các văn bản, giấy tờ nói trên của nguyên đơn đều được đo vẽ rất cụ thể: Phía Đông giáp đất ông Thảo (nay là đất của ông Vĩnh). Câu hỏi đặt ra là quyền sử dụng 39,5m2 đất (rộng 19,75m x dài 2m) gia đình ông Hiệp cho rằng sang nhượng của ông Vần nằm ở đâu?

Ba, HĐXX không xem xét biên bản lấy lời khai tại TAND huyện Hương Sơn của các đương sự: Bà Nguyễn Thị Đào (vợ ông Vần) và ông Trần Hữu Khoách (con ông Vần). Tại phiên tòa ngày 23/9/2021, HĐXX của TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng không xem xét lời khai của ông Trần Hữu Khoách.

Bốn, UBND thị trấn Phố Châu, UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia các phiên tòa cũng khẳng định tờ giấy sang nhượng quyền sử dụng 39,5m2 đất (dài 2m x rộng 19,75m) tiếp giáp QL8A của ông Vần và ông Hiệp là không có cơ sở pháp lí, vì không có xác nhận của cơ quan chức năng, cũng không kê khai và thực tế đất cũng không tồn tại. Qua hai lần xét xử sơ thẩm, TAND huyện Hương Sơn không công nhận tờ giấy viết tay sang nhượng quyền sử dụng 39,5m2 đất tiếp giáp QL8A của ông Hiệp sang nhượng từ ông Vần nên đã bác đơn khởi kiện của ông Hiệp.

Năm, nội dung bản án thể hiện nhiều mâu thuẫn. Theo đó, tại trang 3, mục 1 cho rằng: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả phần diện tích 39,3m2. Trong khi nguyên đơn chỉ yêu cầu trả 3,95m2 đất (rộng 0,2m x dài 19,75m).

Trong phần nhận định ở trang 6, mục 2, về nội dung mục [2.1] của bản án ghi: “Yêu cầu bị đơn trả lại phần diện tích 39,5m2 đất” (rộng 0,2m x dài 19,75m), là không đúng.

Mặt khác, nội dung bản án có nhiều sai sót, nhưng không được đính chính theo quy định. Cụ thể: Tại mục 2.3, trang 10 của bản án ghi: “Phần via (phần ông Hiệp xây nhô ra trên không lấn đất ông Vĩnh) nhà ông Hiệp, bà Lân do ông Vĩnh đập phá có chiều dài 2,5m, rộng 2,3m, diện tích 0,43m”. Nhưng Tòa án đã không đính chính sửa lại: “Diện tích 0,43m”, thành “5,75m2”.

Bản án tiếp tục khẳng định: “Chi phí khắc phục phần bị đập phá 2,5m x 2,2m” với tổng số tiền là: 2.500.000 đồng. Trong khi số liệu thực nhà bếp của gia đình ông Hiệp có chiều dài 9,05m và 2,1m chiều rộng (9,05m x 2,1m = 19,005m2) cao 2,2m, được đổ bê tông mái bằng dùng đựng bồn chứa nước. Và sai sót này cũng không được đính chính theo quy định.

Chưa hết, tại Bản án sơ thẩm số 15/2021/DSST, ngày 23/9/2021 của TAND tỉnh Hà Tĩnh (phần đầu trang 1 khẳng định là bản án sơ thẩm), nhưng tại trang số 14, bà Trương Thị Lệ Thu, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa lại khẳng định là: Bản án phúc thẩm.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dư luận trông chờ phiên tòa xét xử phúc thẩm giải quyết vụ án thật công tâm, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây