Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng có bài viết phản ánh về việc một số bác sĩ làm việc tại hệ thống Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa có dấu hiệu sai phạm về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó các bác sĩ chỉ hỏi vài câu cho “có lệ” là “phán” bệnh nhân bị viêm mũi họng cấp, sốt siêu vi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau ngang thắt lưng… rồi kê cho một loạt thuốc, hoặc chỉ định sử dụng dịch vụ điều trị.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Vũ Phi Khanh, cho biết: Trong các quy định về chuyên môn kỹ thuật được quy định tại Chương V, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, thì tại Điều 55 đã quy định rõ việc chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phải dựa trên kết quả khám lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng, kết hợp với yếu tố tiền sử bệnh, gia đình, nghề nghiệp và dịch tễ. Và phải kịp thời, khách quan, thận trọng và khoa học.
Đối với các trường hợp mà Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng phản ánh, có thể thấy người đến khám chỉ nói thấy mệt, muốn về quê chơi, muốn xin nghỉ vài ngày, mà các bác sĩ tự biên tự diễn kết quả chẩn đoán bệnh, rồi kê cho một loạt loại thuốc, hoặc chỉ định sử dụng dịch vụ điều trị. Việc làm này đã có dấu hiệu không tuân thủ đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Hiện Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ mới tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, chứ chưa có thông báo chính thức về kết quả xử lý. Nên chưa rõ cơ quan chức năng xác định các bác sĩ và phòng khám vi phạm cụ thể là gì?
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, đối với hành vi mà báo chí phản ánh, cơ quan chức năng có thể áp dụng khoản 5 Điều 48 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt, đó là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ các trường hợp không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật đã được quy định tại các điều khoản khác của Mục này”.
Cũng theo Luật sư Khanh, ngoài bị phạt tiền, các bác sĩ còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ một đến ba tháng.
Không chỉ bác sĩ bị xử lý, mà ngay cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nơi bác sĩ làm việc cũng có thể bị đình chỉ hoạt động một phần của cơ sở đối với các khoa, phòng, trung tâm, đơn vị, bộ phận vi phạm, hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ một đến ba tháng tháng, nếu vi phạm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của cơ sở.
Việc các bác sĩ và phòng khám vi phạm tới đâu, chế tài như thế nào thì còn phải chờ kết quả xác minh, xử lý của Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác thì hành vi “phán” từ không bệnh thành có bệnh rồi kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng dịch vụ điều trị còn thể hiện sự xuống cấp về y đức, mặc dù chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã phần nào làm “vẩn đục” sự thanh cao của nghề y.
Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm, thì xử lý nghiêm để cảnh báo, răn đe, tránh không để sai phạm của một vài cá nhân, mà làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc.
Ý kiến bạn đọc