Cần nhận thức đúng và đầy đủ về quyền tự do ngôn luận

Thứ bảy - 03/06/2023 23:48
Tự do ngôn luận – Một trong những quyền cơ bản của công dân, được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật; quyền gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, pháp luật quốc gia các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc và kích động dư luận, gây bất ổn xã hội cần phải được lên án và nghiêm trị.
Cần nhận thức đúng và đầy đủ về quyền tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận – Một quyền cơ bản của công dân

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến” (Điều 19) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận” (Điều 19).

Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận” (Điều 10), và tiếp tục được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận”,  “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Quyền tự do ngôn luận còn được ghi nhận trong các đạo luật như: Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân. Đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong đi trước cả Liên hợp quốc, mặt khác, thể hiện quá trình nội luật hóa các quy định của luật pháp quốc tế được thực thi nghiêm túc, đồng bộ.

Tự do ngôn luận – Quyền gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ trong khuôn khổ pháp luật quy định

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản, không tách rời với trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, được quy định trong luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 khẳng định: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những nhu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và lợi ích chung của một xã hội dân chủ” (khoản 2 Điều 29) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 tiếp tục khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội” (khoản 3 Điều 19). 

Tương tự luật pháp quốc tế, pháp luật ở các quốc gia như châu Âu, châu Á, châu Mỹ… cũng đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.

Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để gắn liền quyền với trách nhiệm và nghĩa vụ, tránh những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân.

Như vậy, khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế và pháp luật các quốc gia tiến bộ trên thế giới.

Lợi dụng tự do ngôn luận để thực hiện ý đồ xấu

Thời gian qua, một số phần tử có tư tưởng cực đoan trong các tổ chức khủng bố, phản động người Việt ở nước ngoài (“Việt Tân”, “Triều Đại Việt”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, FULRO lưu vong…) đã lợi dụng tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, kích động, bôi nhọ, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Chẳng hạn, liên quan đến vụ việc xảy ra tại nơi gọi là “Tịnh thất Bồng Lai”, khi sự việc chưa được xác minh làm rõ, nhưng ngay lập tức, các phần tử cực đoan bên ngoài đã rêu rao, kêu gào chính quyền đàn áp tôn giáo, cố tình xuyên tạc để kích động dư luận. Sau khi vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, người dân mới vỡ lẽ, ngỡ ngàn, mới biết mình bị dắt mũi vì đây không phải là cơ sở tôn giáo, những người sống ở đây cũng không phải là nhà tu hành mà thực chất là mạo danh Phật pháp để trục lợi và có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, loạn luân, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích…

Đài Á Châu sử dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc sự thật về vụ việc “Tịnh thất Bồng Lai”
Đài Á Châu tự do xuyên tạc sự thật về vụ việc “Tịnh thất Bồng Lai”

Tương tự, vụ việc xảy ra vào cuối năm 2022, tại TP. Buôn Ma Thuột, do mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông, ông Y Thim Byă (nghệ nhân nổi tiếng ở Đắk Lắk) bị Đỗ Quang Mạnh dùng dao đâm gây tử vong. Sau khi gây án, đối tượng đã bỏ trốn. Vụ việc bị các đối tượng FULRO lưu vong xuyên tạc thành “người Kinh giết hại người dân tộc”, để kích động gây hằn thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo làn sóng phẩn nộ trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã triển khai lực lượng truy bắt, điều tra làm rõ và đưa ra xét xử trước pháp luật, bị tuyên phạt tù chung thân về tội giết người.

Gần đây nhất, liên quan đến 4 nữ tiếp viên hàng không xách “ma túy” từ Pháp về Việt Nam, bị tổ chức khủng bố “Việt Tân” lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt “trong 4 nữ tiếp viên hàng không có cháu ruột của…” nên họ được tại ngoại, rồi suy diễn, dắt mũi dư luận cho rằng vụ việc sẽ bị chìm xuống khi có các ông lớn “bảo kê”… với ý đồ nhằm làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống pháp luật. Và sự thật là, qua điều tra mở rộng vụ án, lực lượng chức năng đã khởi tố hàng chục bị can về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tổ chức khủng bố “Việt Tân” xuyên tạc sự thật về vụ việc 4 tiếp viên hàng không
Tổ chức khủng bố “Việt Tân” xuyên tạc sự thật về vụ việc 4 tiếp viên hàng không

Như vậy, tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo đảm, nhưng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thực hiện ý đồ xấu, xuyên tạc, kích động, gây bất ổn xã hội thì cần kiên quyết đấu tranh, lên án, vạch trần.

 

Tác giả: ĐÌNH VƯƠNG-NGỌC MẠNH

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây