Thành phố Vũng Tàu đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Kinh tế du lịch và dịch vụ

Thứ năm - 28/04/2022 19:48
Thành phố Vũng Tàu đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn hoàn thành việc chuyển đổi số; đến cuối năm 2022 phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức, người lao động trực thuộc chính quyền Thành phố có tài khoản thanh toán điện tử hoặc ví điện tử, 65-70% dân số thành phố từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng; 80% cán bộ hưu trí có smartphone tải và cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội điện tử VSSID…

 

 Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu

Với vai trò là địa phương thí điểm triển khai mô hình đô thị thông minh đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Ngay từ ngày đầu được giao nhiệm vụ, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố Vũng Tàu đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp và hành động thiết thực để triển khai đề án. Theo đó, vào quý 1 năm 2021, thành phố Vũng Tàu đã thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (ĐTTM -IOC) để vận hành, đồng thời triển khai các kế hoạch đồng bộ như: Xây dựng và ứng dụng các phần mềm trong quản lý điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như qua camera giám sát, ứng dụng di động, website, mạng xã hội…các ứng dụng thông minh khác để phục vụ cho doanh nghiệp, người dân và du khách khi đến thành phố Vũng Tàu.

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủyBí thư Thành ủy Vũng Tàu cho biết: Thành phố Vũng Tàu được xác định trong giai đoạn phát triển, cơ cấu kinh tế thương mại – du lịch và dịch vụ, dân số hiện nay trên 360 ngàn người; việc xây dựng hệ thống quản lý, điều hành đô thị thông minh của thành phố Vũng Tàu đã triển khai và đã đưa vào vận hành một số dịch vụ thuộc lĩnh vực như: du lịch, hành chính công, y tế...Thành phố đã xây dựng hoàn thiện được phần mềm quản lý lưu trú; hệ thống tin nhắn chào mừng khách du lịch; camera phản ánh hiện trường; phần mền ứng dụng bốc số trực tuyến trong lĩnh vực hành chính công; hệ thống tích hợp đồng bộ phần mềm một cửa tập trung; tích hợp hiển thị báo cáo ngành y tế lên hệ thống của Trung tâm ĐTTM - IOC; nâng cấp Trang thông tin du lịch TP. Vũng Tàu..

Ông Đỗ Phước Trung – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thời gian qua, Thành phố đã triển khai thực hiện một số giải pháp chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh, cụ thể như: Triển khai dán nhãn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và không sử dụng tiền mặt trong công tác thu phí sử dụng lòng đường vỉa hè; triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; triển khai tổ chức các hội nghị họp không giấy (sử dụng tài liệu điện tử), triển khai thí điểm chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh về quản lý đô thị.

Cho tới thời điểm này thành phố Vũng Tàu đã kết nối toàn bộ hệ thống camera an ninh của tất cả các tuyến đường; phần mền ứng dụng chuyển đổi công tác cải cách hành chính; giám sát hệ thống một cửa; rà soát các hồ sơ giải quyết trễ hạn với người dân; triển khai hệ thống giám sát thông tin trên mạng xã hội, trên báo chí liên quan đến thành phố Vũng Tàu để ghi nhận những thông tin liên quan đến công tác quản lý điều hành và các lĩnh vực khác tại thành phố Vũng Tàu; xây dựng hệ thống bảo mật thông tin…Hiện thành phố Vũng Tàu đã có đề án nâng cấp Trung tâm quản lý điều hành đô thị thông minh và trình HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua.

Nhân viên của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (ĐTTM -IOC) thành phố Vũng Tàu đang tiếp nhận, xử lý thông tin…

Ông Đỗ Phước Trung – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: Việc số hóa tại các điểm đến là nội dung quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch. Từ năm 2020, Sở Du lịch đã tiến hành số hóa cho 48 điểm di tích, danh thắng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 1). Việc số hóa và thuyết minh tự động đã giúp du khách tự do tìm hiểu và tham khảo được nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống; đặc biệt là đối với du khách không đi theo Đoàn hoặc không có thuyết minh viên hoặc hướng dẫn viên đi cùng. UBND tỉnh tiếp tục giao cho Sở Du lịch trong năm 2022 số hoá các điểm đến còn lại khoảng (150 điểm) với các tiện ích như: cung cấp thông tin và thuyết minh tự động bằng 6 thứ tiếng (tiếng  Anh, Pháp, Nga, Hàn, Nhật, Trung), hình ảnh 3D, 360o; giải pháp bảo tàng số (số hóa các hiện vật thành dữ liệu nhằm lưu trữ  phục vụ các công tác phục dựng lại nội dung, hiện vật; xây dựng mô hình, dữ liệu theo công nghệ 3D phục vụ việc số hoá, ảo hoá toàn bộ không gian, nội dung hiện vật theo thực tế của các Bảo tàng). Hiện nay, Sở đang triển khai thực hiện và sẽ trình UBND tỉnh quyết định đầu tư trong tháng 4/2022.

Đồng thời, Sở Du lịch cũng đang xây dựng dữ liệu Big data (dữ liệu chung ngành du lịch) tích hợp dự liệu của Hệ thống Quản lý lưu trú, Mã QR, Sàn thương mại điện tử, Quản lý hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành,… Tất cả dữ liệu này được tích hợp về trung tâm dữ liệu IOC của tỉnh và có thể kết nối, chia sẽ dữ liệu với Tổng Cục Du lịch, Sàn thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến (đã được UBND tỉnh cho phép vận hành thử nghiệm) góp phần vào việc số hoá công tác quản lý các cơ sở lưu trú, khách lưu trú. Khi triển khai Hệ thống này sẽ hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước cập nhật kịp thời các thông tin, dữ liệu cần thiết; Giúp các cơ sở kinh doanh về lưu trú cập nhật thông tin đăng ký lưu trú của du khách ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đồng thời tiết kiệm về chi phí, thời gian và báo cáo thống kê của cơ sở lưu trú. Ngoài ra hệ thống còn hỗ trợ cho ngành Công an, Thuế, Thống kê trong việc quản lý, sử dụng, khai thác thông tin trên hệ thống; giúp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đăng ký lưu trú. Sau khi Hệ thống  được vận hành chính thức, cơ sở dữ liệu của hệ thống sẽ kết nối và chia sẽ với dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng Cục Du lịch, Sàn thương mại điện tử. Dự kiến, đến tháng 6/2022 Sở Du lịch sẽ tham mưu đánh giá hiệu quả và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh (nếu có) và báo cáo UBND tỉnh.

Triển khai phần mền ứng dụng chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính; giám sát hệ thống một cửa, rà soát các hồ sơ giải quyết trễ hạn với người dân

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng ngành du lịch của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, nhờ vậy, trong quý I năm 2022, kết quả đón và phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh rất khả quan với 3.277.854  lượt khách bằng 10% lượng khách du lịch của cả nước.

Trong đó khách lưu trú là 723.264 lượt, đạt 58,66 % kế hoạch năm, tăng 17,82% so với cùng kỳ. riêng khách quốc tế là: 51.795 lượt khách đạt 66,4% kế hoạch năm, tăng 51,03% so với cùng kỳ.

Có thể thấy thời gian vừa qua, thành phố Vũng Tàu đã phải nỗ lực hết sức trong công tác phòng chống dịch COVID-19, vừa phải chống dịch và thực hiện các mục tiêu đã đề ra, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau cơn đại dịch. Đây là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi đại dịch covid-19 để lại cho nền kinh tế hậu quả khá nặng nề, trong đó ngành du lịch - dịch vụ phải chịu tác động trực tiếp và nghiêm trọng nhất.

Phần mềm ứng dụng Dịch vụ đô thị thông minh VUNGTAUIOC-Civ. Đây là công cụ giúp người dùng phản ánh các vấn đề bất cập trong cuộc sống, thông qua đó hỗ trợ công tác xử lý hiệu quả từ các đơn vị chức năng.

Từ lâu, kinh tế du lịch - dịch vụ luôn được xem là ngành kinh tế chủ lực của thành phố Vũng Tàu. Vì vậy, muốn nâng tầm để kinh tế du lịch - dịch vụ địa phương phát triển trong bối cảnh có những cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nhất thiết phải có những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt. Tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động du lịch - dịch vụ chính là sự đổi mới cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ thành phố Vũng Tàu mạnh hơn, từng bước vươn tầm trở thành một điểm sáng về dịch vụ - du lịch mang tầm quốc tế. Đây cũng là mong muốn và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói chung. Bí thư Thành ủy Vũng Tàu – Trần Đình Khoa nhấn mạnh.

Theo quyết định số: 950/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết 112/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quyết định số: 716/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành ngày 13/12/2019 về kế hoạch triển khai “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2022, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Thành phố Vũng Tàu được giao thí điểm “Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Đô thị thông minh” - giai đoạn 2020-2022, định hướng đến 2025.

 

Tác giả: Đức Hải – Tuấn Anh – Hoàng Dương

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây