Đây là dự án thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Trong cuộc họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, đa số người dân hưởng ứng, ủng hộ chủ trương của Nhà nước thực hiện dự án. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng: “mức giá đền bù giải tỏa chưa hợp lý”. Một số hộ dân đề nghị Ban đền bù xem xét lại mức giá đối với một số thửa đất mặt tiền trên đường Nguyễn Duy Trinh và đường Nguyễn Xiển, để việc giải tỏa không xáo trộn nhiều đến đời sống của bà con sau này.
Căn nhà xưởng ông Tuấn đang cho thuê.
Theo ông Bùi Thanh Tuấn và người cháu là Phan Duy Đệ, họ có 2 thửa đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh khoảng 1.300m2 (ông Tuấn có 841m2, ông Đệ có 465m2), toàn bộ là đất trồng cây lâu năm, hiện đang làm nhà xưởng cho thuê, gần như bị giải tỏa hoàn toàn.
“Mức giá đền bù đất nông nghiệp là 7,6 triệu đồng/m2 thực sự chưa thỏa đáng, vì nó thấp hơn giá thị trường hiện tại hàng chục lần. Trong khi đó, cùng một trục đường, cùng một dự án, nhưng tỉnh Bình Dương lại có mức đền bù giá đất nông nghiệp hoàn toàn khác” - ông Tuấn cho biết.
Theo QĐ số 1322/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 của UBND tỉnh Bình Dương quy định: Đền bù đất nông nghiệp bằng 50% giá đền bù đất thổ cư, đất phi nông nghiệp bằng 60% giá đền bù đất thổ cư, còn đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đền đất thổ cư. Nhưng tại TPHCM, mức giá cho đất nông nghiệp chỉ 7,6 triệu/m2 (bằng 1/10 mức giá đền bù đất thổ cư) là chưa thỏa đáng.
“Tôi là cán bộ hưu trí, cuộc sống gia đình chỉ trông vào tiền cho thuê nhà xưởng hàng tháng, nay Nhà nước thực hiện dự án đường Vành đai 3, tôi hoàn toàn ủng hộ vì đây là chủ trương lớn làm lợi cho dân. Tuy nhiên, với gia đình tôi bị giải tỏa trắng, trong khi giá đền bù như vậy thì tôi cũng như anh Đệ quả thật rất khó khăn trong cuộc sống sau này. Chúng tôi rất mong Hội đồng đền bù xem xét lại mức giá bồi thường đất nông nghiệp sao cho hợp lý để ổn định cuộc sống” - ông Tuấn cho biết thêm.
Cơ quan chức năng nói gì?
Một hộ dân khác là ông Lê Minh Thắng (cán bộ quân đội về hưu) cho biết: gia đình ông có hơn 3.600m2 tại số 200, mặt tiền đường Nguyễn Xiển (nối dài của đường Nguyễn Duy Trinh, P.Trường Thạnh) bị giải tỏa để thực hiện đường Vành đai 3. Trong số đó, 108m2 là đất thổ cư, còn lại gần 3.500m2 là đất trồng cây lâu năm.
“Giá đền bù đất thổ cư 70 triệu/m2 tôi thấy tương đối hợp lý. Tuy nhiên, giá đất trồng cây lâu năm chỉ 7,6 triệu/m2 là quá thấp so với mức đền bù cùng trên tuyến đường, cùng dự án như ở tỉnh Bình Dương”.
Ông Lê Minh Thắng trước căn nhà giải tỏa.
Theo chứng thư thẩm định giá số 007A/BĐS.23PNVC ngày 04/5/2023 của công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam thì số diện tích đất trồng cây lâu năm còn lại sau khi đã giải tỏa làm dự án đường Vành đai 3 của gia đình ông Thắng là: 33.303.000 đồng/m2. Đường Nguyễn Xiển kéo dài sang địa bàn tỉnh Bình Dương, cũng theo QĐ số 1322 của UBND tỉnh Bình Dương thì đất nông nghiệp được đền bù tại đây là hơn 16 triệu đồng/m2, đất thổ cư 32 triệu đồng/m2.
Chưa hết, một điểm khác thể hiện trong văn bản số 314 CSBT-HĐBT ngày 26/4/2023, thể hiện một số hộ dân có đất nông nghiệp không nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Xiển, nhưng lại được đền bù giá cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với đất của ông Thắng. “Với sự chênh lệch của hai địa phương thì người dân như chúng tôi rất thiệt thòi” - ông Thắng cho biết.
Ngày 14/9, trả lời phóng viên Chuyên đề CATP, ông Đỗ Quốc Doanh - Trưởng ban Bồi thường dự án đường Vành đai 3 - TP.Thủ Đức cho biết: “UBND cấp tỉnh quyết định giá đất đền bù của mỗi địa phương, nên bà con không thể so sánh. Hơn nữa, đất nông nghiệp tại Bình Dương được đền bù mức giá cao là do nằm trong đô thị tiệm cận với đất ở. Đất ở của Bình Dương thì giá không bao giờ cao bằng ở TPHCM, ví dụ như mặt tiền đất Bình Dương ở Xa lộ Hà Nội cũng chỉ là 30 triệu/m2. Còn văn bản số 314/ CSBT- HĐBT chỉ dùng để tham khảo chứ không phải đền bù theo giá đó”.
Tiếp xúc với phóng viên, hầu hết các hộ dân có đất giải tỏa để làm đường Vành đai 3, đoạn qua P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức đều rất đồng tình ủng hộ với dự án giúp phát triển kinh tế xã hội của vùng, bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực. Bên cạnh đó, họ cũng rất mong Hội đồng đền bù xem xét lại mức giá đền bù đối với đất nông nghiệp mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Xiển, hiện là kế sinh nhai chủ yếu của bà con để tạo đồng thuận, đảm bảo cho cuộc sống người dân sau giải tỏa.
Ý kiến bạn đọc