Quảng Ngãi: Xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm chưa bị xử lý

Thứ tư - 15/05/2024 21:32
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.

Chiếm đất ruộng để xây nhà ở

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đã có mặt tại tổ dân phố Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, (tỉnh Quảng Ngãi). Tại đây, chúng tôi ghi nhận một số hộ gia đình ngang nhiên lấn chiếm đất ruộng để xây nhà ở, gây hệ lụy xấu đối với đời sống, sản xuất kinh tế của người nông dân nơi đây.

Luật Đất đai 2013, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/7/2014, quy định rất rõ, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi, không có mục đích để ở. Vì thế, người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Thế nhưng, trên thực tế nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố, trái phép diễn ra khá phổ biến ở tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Dù đã có quy định cụ thể và có chế tài xử lý đi kèm, nhưng việc một số hộ gia đình xây nhà dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp vẫn tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Những căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, ngăn chặn dòng chảy của kênh nước ven tỉnh lộ 24B qua thị trấn Di Lăng đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn được tồn tại (ảnh do người dân cung cấp).

Ông Võ Duy Tâm (Tổ dân phố Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) cho biết, gia đình anh có một thửa ruộng để cấy lúa qua các thời kỳ từ rất lâu. Đến năm 2005, do tuổi cao sức yếu, ông Võ Hồng Long - bố anh Tâm - cho ông Bé làm mùa lấy 5 ang lúa. Sau này bố anh Tâm mất, ông Bé làm được mấy vụ rồi sau này không trả ruộng. Do thời tiết bất lợi và gà, vịt phá ăn hết nên sau này nơi đây như bị bỏ hoang.

Ven đường 24B xuất hiện nhiều căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp từ những năm 2020 (ảnh do người dân cung cấp).

Đến năm 2009, Nhà nước mở rộng Tỉnh lộ 24B, lợi dụng điều này, bà Huỳnh Thị Thuý (người dân địa phương) đã chiếm phần đất cấy lúa chung của các hộ dân có ruộng liền kề và cộng thêm phần đất gieo mạ của gia đình bà để làm căn nhà chính. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, hiện tại 2 căn nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp do ông Tuấn và bà Thúy xây dựng lên đã được hoàn thiện và đã được sử dụng để ở khá lâu, nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý hành vi này.

Sau khi bị san lấp một phần để xây nhà, con kênh ven Tỉnh lộ 24B hiện tại chỉ còn lại là một vũng nước nhỏ, không thể phục vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng hoang hóa đất.

Theo quan sát của chúng tôi, 2 căn nhà này có diện tích khoảng gần 100m2, xây dựng bằng gạch kiên cố. Thậm chí, theo thông tin của người dân cung cấp phần nhà của ông Tuấn mới xây dựng từ những năm 2020, không những xây dựng trên đất nông nghiệp mà hộ gia đình này còn lấp dòng chảy của con kênh ven Tỉnh lộ 24B, vì vậy đã khiến dòng chảy của con kênh vốn đã nhỏ hẹp, nay đã bị chặn đứng, ảnh hưởng tới nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của các hộ dân nơi đây. Hiện tại, phần kênh còn sót lại tại thửa ruộng của một số hộ dân sau khi bị nhà ông Tuấn chặn dòng, đã trở thành một vũng nước, không thể phục vụ tưới tiêu canh tác nông nghiệp dẫn đến tình trạng hoang hóa đất.

“Nhà bà Thúy thì xây từ những năm 2011, sau khi thấy bà Thúy xây dựng trên đất nông nghiệp mà không bị xử lý, tiếp tục sau đó ông Tuấn đã xây thêm một căn nhà ngay sát tỉnh lộ 24B. Không dừng lại ở đó, tới năm 2020 ông Tuấn đã “mạnh dạn” xây thêm một căn nhà ở phía sau, ngăn luôn dòng chảy của con kênh... Cho tới thời điểm hiện tại, tôi có thông tin phản ánh, nhưng chính quyền địa phương cũng chưa xử lý” - ông Võ Duy Tâm bức xúc phản ánh.

Đối với hành vi xây dựng trái phép, nếu không ngăn chặn ngay từ khi manh nha bắt đầu, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự ở địa phương mà còn để lại nhiều hệ lụy, tốn kém ngân sách nhà nước vì địa phương sẽ phải huy động nhân lực vật lực để cưỡng chế, giải tỏa công trình vi phạm sau này; oồng thời một người xây trái phép được mà không bị xử lý sẽ có nhiều người làm theo.

“Không đổ lỗi cho lịch sử, sẽ giải quyết dứt điểm!”

Bên cạnh những biện pháp quản lý trật tự xây dựng hiệu quả thì tại một số nơi đã nêu trên đây chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép. Thực trạng trên cho thấy công tác phối hợp kiểm tra trật tự xây dựng giữa các đơn vị trên địa bàn thị trấn Di Lăng chưa đạt hiệu quả, công tác quản lý đất đai tại địa phương chưa chặt chẽ, xử lý lấn chiếm đất công như đất dự án đã thu hồi, đất thừa trong vùng dự án, hành lang đường bộ… chưa kịp thời, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công không được ngăn chặn, xử lý từ đầu.

Ông Sơn - phụ trách địa chính của UBND thị trấn Di Lăng (bên phải) được ông Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cử đi cùng phóng viên để thực địa kiểm tra hiện trạng các công trình vi phạm.

Đề cập về vấn đề việc một số hộ dân lấp kênh, chiếm đất nông nghiệp xây dựng nhà ở ven tỉnh lộ 24B đoạn thuộc thị trấn Di Lăng, ông Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng cho biết: Thị trấn đã nhận được đơn phản ánh thông tin của công dân về sự việc này từ những năm 2021 và xác định những thông tin phản ánh của công dân là có căn cứ.

“Với những thông tin phản của công dân về sự việc này, UBND thị trấn Di Lăng xác định rõ đây là phần lỗi của chính quyền địa phương. Mặc dù đây là những tồn tại, sai phạm của nhiệm kỳ trước nhưng chính quyền địa phương sẽ không đổ lỗi cho lịch sử, quan điểm là sẽ xử lý một cách dứt điểm.

Đối với thông tin phản ánh của công dân và báo chí, chính quyền địa phương sẽ ngay lập tức kiểm tra, xác minh lại và lên phương án xử lý sao cho đúng quy định của pháp luật và thấu tình đạt lý. Đồng thời, ngay sau đây, chính quyền địa phương sẽ tổ chức một cuộc tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước về tình hình sử dụng đất đai, đồng thời cũng sẽ nêu đích danh các hộ gia đình đã xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp như ông Tuấn, bà Thúy... để người dân nắm được” - ông Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Cường, trong thời gian tới đây lãnh đạo địa phương sẽ tổ chức họp hội đồng dân cư, sau đó chính quyền địa phương sẽ tổ chức một cuộc họp, mời các hộ dân đang vi phạm cũng như người dân cung cấp thông tin phản ánh cùng tham gia để tìm ra giải pháp đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Ông Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng (giữa) thẳng thắn bày tỏ quan điểm về vấn đề lấn chiếm đất nông nghiệp xây nhà trên địa bàn.

Để ngăn chặn tình trạng công trình không phép, sai phép xảy ra trên quy mô lớn; xây dựng trái phép; hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở và sang nhượng trái phép gây thất thoát ngân sách nhà nước, huyện Sơn Hà cần tăng cường giám sát quản lý trật tự đô thị trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, giám sát toàn diện 100% công trình xây dựng, kiên quyết xử lý khi vi phạm xây dựng.

Theo quy định hiện nay, mức xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định về xây dựng sai phép, xây dựng trái phép, xây dựng không có giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 15, Nghị định số 139 /2017 của Chính phủ, trong đó nêu rõ: Đối với công trình trái phép thì chủ công trình bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu bị phát hiện vi phạm. Đồng thời, các trường hợp này cũng bị áp dụng biện pháp yêu cầu khắc phục hậu quả. Đối với công trình đang thi công thì bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu dừng thi công. Đối với công trình đã hoàn tất xây dựng, thì buộc tháo dỡ công trình và phần công trình vi phạm.

Ông Võ Duy Tâm cùng phóng viên đi ghi nhận thông tin phản ánh của người dân địa phương..

Quy định là vậy, nhưng thực tế cho thấy tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sau khi phát hiện, thì chỉ xử phạt hành chính và để cho tồn tại.

Đất nông nghiệp được sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên nhiều người lại cố tình xây nhà ở trên phần diện tích này, bất chấp rủi ro. Thực tế người dân đang phải hứng chịu những thiệt hại khi xây dựng những căn nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng này tái diễn.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần phải có sự vào cuộc của UBND huyện Sơn Hà trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc và chỉ đạo UBND thị trấn Di Lăng kiểm tra, rà soát lại các trường hợp hộ gia đình, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật, để xử lý vi phạm theo quy định, đồng thời yêu cầu các trường hợp vi phạm phải chấp hành khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với diện tích có vi phạm./.

Tác giả: Admin, Ngô Chức - Đức Vượng

  Ý kiến bạn đọc

vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây