SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: CẦN CÓ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨNG VIÊN

Thứ năm - 29/02/2024 21:49
Theo Chương trình xây dựng luật năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Tại buổi làm việc mới đây của Thường trực Ủy ban Pháp luật với Bộ Tư pháp để chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật này.

Nhiều vấn đề, nội dung của dự án Luật đã được các đại biểu phân tích, kiến nghị làm rõ. Trong đó có nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI BỘ TƯ PHÁP VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Luật Công chứng được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 07 năm thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục.

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Bộ Tư pháp để chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Theo hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024, việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong đó, một trong những chính sách được Chính phủ trình sửa đổi Luật là phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.

Phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng” diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8/2023 

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thời gian qua việc đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng được thực hiện theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được phê duyệt hàng năm và chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng được Bộ phê duyệt. Trong những năm gần đây, chất lượng tập sự tại tổ chức hành nghề công chứng từng bước được cải thiện, công tác quản lý thời gian, hiệu quả tập sự được chú trọng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các kỳ kiểm tra kết quả tập sự. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 507 công chứng viên, bổ nhiệm lại 41 công chứng viên và miễn nhiệm 42 công chứng viên.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 3.220 công chứng viên, trong đó 390 công chứng viên hành nghề tại Phòng công chứng (chiếm tỷ lệ 12%) và 2.830 công chứng viên hành nghề tại Văn phòng công chứng (chiếm tỷ lệ 88%). So với thời điểm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, số lượng công chứng viên tăng hơn 02 lần; so với thời điểm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2006, số lượng công chứng viên tăng hơn 08 lần. Chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao; các công chứng viên được bổ nhiệm đều qua đào tạo hoặc bồi dưỡng, hoàn thành việc tập sự hành nghề công chứng, đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định.

Tại buổi làm việc của Thường trực Ủy ban Pháp luật với Bộ Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đã lưu ý đến các vấn đề đã được chỉ ra tại phiên giải trình Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”

Theo quy định của Luật Công chứng, công chứng viên có 03 hình thức hành nghề gồm công chứng viên của Phòng công chứng, công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng. Trong thời gian qua, đội ngũ công chứng viên cơ bản tuân thủ nguyên tắc hành nghề công chứng. Việc chấp hành quy định của pháp luật về công chứng và pháp luật có liên quan được hầu hết công chứng viên thực hiện nghiêm túc; nguyên tắc khách quan, trung thực trong hoạt động hành nghề được đa số các công chứng viên chú trọng.

Tuy nhiên, tại Phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng” diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8/2023 đã cho thấy, trong 03 năm trở lại đây, tỷ lệ người tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng đạt yêu cầu chỉ ở mức 25%. Tỷ lệ người tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng đạt yêu cầu thấp dẫn đến thiếu nguồn công chứng viên để phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Với thực trạng này, cần đánh giá về chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng, cũng như đánh giá về công tác tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng thời gian qua. Mặt khác, chất lượng công chứng viên còn chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao; trong hoạt động hành nghề công chứng còn tồn tại những sai sót; một số công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Lê Xuân Hồng

Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật vừa qua, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng:  Quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). Quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm công chứng viên có kiến thức, kỹ năng cập nhật. Bổ sung một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên, trường hợp được và không được bổ nhiệm lại công chứng viên cũng như điều kiện bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm những người đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn công chứng viên mới được bổ nhiệm…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám

Qua quá trình khảo sát thực tế, cũng như những tồn tại đã được chỉ ra tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức trong năm 2023 vừa qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, phát triển đội ngũ công chứng viên. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám nhấn mạnh phải có công chứng viên thì mới có văn phòng công chứng. Do đó, để phát triển công chứng viên cần phải tháo gỡ được những vấn đề mà phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật đã chỉ ra liên quan đến đội ngũ công chứng viên.

Làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, để nâng cao chất lượng, số lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chứng viên, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, dự thảo Luật chỉ quy định về giảm thời gian đào tạo mà không còn quy định được miễn đào tạo như trước đây. Cùng với đó, Bộ Tư pháp, Học viện tư pháp sẽ xây dựng các tín chỉ, nội dung các khóa đào tạo 12 tháng, 6 tháng tập trung kỹ năng của công chứng viên bài bản hơn, đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng tham gia hoạt động công chứng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi

Bên cạnh đó, các một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần làm rõ một số vấn đề lớn khi sửa đổi Luật Ccông chứng như: thể hiện rõ quan điểm thống nhất về việc xác định khái niệm hành nghề công chứng trong đề nghị xây dựng Luật làm cơ sở để xác định phạm vi thực hiện nhiệm vụ của công chứng viên và xem xét xử lý trường hợp công chứng viên không thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ hành nghề công chứng…

 

Tác giả: Admin, Bảo Yến

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây