9 tháng giải ngân được hơn 53%
Năm 2022, Bộ GTVT được giao vốn đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay với hơn 53.000 tỷ đồng (năm 2021 là khoảng 43.000 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, Quốc hội, Chính phủ rất ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giải ngân vốn đầu tư công tốt hay không chính là thước đo để đánh giá nhiệm vụ Bộ có hoàn thành tốt hay không.
Mới đây tại Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, bộ ngành, địa phương nào có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân. Như vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng đối với mỗi bộ ngành và địa phương. Với riêng Bộ GTVT, một Bộ được ưu tiên giao nhiều vốn đầu tư công thì trách nhiệm giải ngân vốn càng nặng nề.
Năm 2022, Bộ GTVT triển khai nhiều dự án lớn, có những dự án là trọng điểm quốc gia. Có thể kể đến một số dự án như Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành…
Nhận thức rõ việc cần phải đẩy nhanh việc “tiêu tiền”, đều đặn qua các quý trong năm, người đứng đầu Bộ GTVT đều có những cuộc họp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án từ đó đẩy nhanh việc giải ngân. Thế nhưng thực tế, việc giải ngân của Bộ này từ đầu năm đến nay không hề dễ dàng. Mặc dù được đánh giá là một trong những bộ ngành giải ngân tốt, nhưng sau khoảng 9 tháng nỗ lực thực hiện, đến nay Bộ này chỉ giải ngân được hơn 50% số vốn được giao.
Cụ thể, theo ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT), dự kiến đến hết tháng 9/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả này, ông Thìn thừa nhận chậm so với kế hoạch đã đề ra khoảng 670 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.300 tỷ đồng (46,3%).
Các dự án ODA cần giải ngân của Bộ GTVT là gần 3.000 tỷ đồng |
Đề xuất cơ chế giải ngân 7-15 ngày/lần
Cũng theo ông Lưu Quang Thìn, riêng quý IV/2022, ước tính Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 21.000 tỷ đồng và giải ngân khoảng 2.300 tỷ đồng trong tháng 1/2023. Các nhóm dự án cần tập trung giải ngân, gồm: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng (chủ yếu cho cho công tác giải phóng mặt bằng - GPMB). 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng.
Các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.780 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các dự án: Tân Vạn - Nhơn Trạch; Tuyến nối Quốc lộ 91 và Tuyến tránh TP Long Xuyên. Các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng, gồm: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Nâng cấp cải tạo đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất; Các dự án đường sắt cấp bách; Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án QL30 tuyến tránh Cao Lãnh.
Bày tỏ sự không hài lòng về công tác giải ngân, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã “nóng ruột” đến mức đề nghị các chủ đầu tư cần giải ngân linh hoạt hơn, cần thiết có thể đề xuất cơ chế giải ngân từ 7 - 15 ngày/lần thay vì giải ngân theo tháng; đồng thời đề nghị xem xét các cơ chế tạm ứng linh hoạt cho nhà thầu.
Mặc dù vậy, trong 3 tháng cuối năm mà phải làm việc bằng 9 tháng trong năm để kịp tiến độ giải ngân thì rõ ràng là áp lực rất lớn đối với các các đại diện chủ đầu tư ngành GTVT. Trong khi đó, thực tế tại các công trường cho thấy có muôn vàn khó khăn bủa vây chủ đầu tư và các nhà thầu như thời tiết xấu (mưa nhiều), vật liệu xây dựng ở mức cao, các địa phương giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp khó khăn, thiếu mỏ đất đắp với cao tốc Bắc - Nam, nhân lực máy móc hạn chế…
Những Dự án chậm giải ngân
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), các dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu, gồm: dự án tuyến tránh QL1A qua Cà Mau; QL45 - Nghi Sơn; Diễn Châu - Bãi Vọt; Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột; Dự án QL37 tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa; Dự án QL21 đoạn Chợ Dầu - Ba Đa.
Dự án chậm giải ngân do hồ sơ chậm, gồm: dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh Nội Bài, đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất; Tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án nâng cấp QL57.
Ý kiến bạn đọc