Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/4/2022

Thứ ba - 05/04/2022 00:59
Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 5/4:
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/4/2022

Lên kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho gần 900.000 trẻ 5-12 tuổi

Báo Lao Động cho hay, UBND TP vừa có văn bản khẩn về kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo kế hoạch, đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn TP. Dự kiến số lượng trẻ cần tiêm vắc xin là 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học. 

TPHCM chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Ảnh: Thanh Chân

TPHCM chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Ảnh: Thanh Chân

Đối với trẻ đi học, tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.

Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quyết định.

Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, tổ chức tiêm vắc xin ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).

Lộ trình triển khai, dự kiến bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9 năm 2022.

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

UBND TP yêu cầu đơn vị liên quan xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng.

Ban hành hướng dẫn mới về F0 cách ly tại nhà

Ngày 4/4, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã ký văn bản gửi các đơn vị trực thuộc trên địa bàn về việc cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 (phiên bản 2.0). Nội dung đăng tải trên báo Thanh Niên.

Theo đó, Sở Y tế điều chỉnh đối tượng cách ly tại nhà; rút ngắn thời gian cách ly tại nhà; điều chỉnh thuốc điều trị COVID-19 tại nhà; điều chỉnh quy trình tiếp nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về đối tượng cách ly tại nhà, là người mắc COVID-19, bao gồm cả trẻ em, có khả năng tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe hoặc có người hỗ trợ chăm sóc. F0 cách ly tại nhà và khai báo hoàn thành cách ly tại địa chỉ: https://khaibaof0.tphcm.gov.vn/ .

Về thời gian cách ly tại nhà, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly y tế tại nhà khi cách ly đủ 7 ngày và khỏi bệnh (khi có kết quả test nhanh âm tính) và khai báo qua địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn/ và chọn mục “KB hoàn thành cách ly”. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm ngày 7 dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.

Về thuốc điều trị, Sở Y tế TP cho 3 gói thuốc A, B, C. Thuốc C ngoài Molnupiravir (uống 5 ngày, mỗi ngày 1.600 mg) thì có Favipiravir (uống 7 ngày, ngày đầu 1.800 mg, từ ngày 2 - 7 mỗi ngày uống 1.200 mg).

TPHCM triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022

Vietnamplus đưa tin, chiều 4/4, Sở Công Thương đã chính thức công bố thông tin triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TPHCM, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động thêm đa dạng nguồn lực xã hội tham gia chương trình, tăng sản lượng. 

Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Cụ thể, nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia (tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2021), lượng hàng cũng tăng mạnh so với năm 2021. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở... khô) tăng gấp 8 lần.

Ở nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 11 doanh nghiệp tham gia (tăng 1 doanh nghiệp so với năm 2021) với lượng hàng cung ứng chiếm 35-50% nhu cầu thị trường. Nhóm mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp; trong đó, có 3 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam (Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood).

Đặc biệt, nhóm mặt hàng dược phẩm có 8 doanh nghiệp tham gia, với 19 nhóm thuốc, chủ yếu các loại dược phẩm dùng để điều trị bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng...

Ngoài ra, còn có nhóm mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19 có 4 doanh nghiệp với hai nhóm hàng là khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng y tế) 7.543.524 cái/tháng và nước rửa tay sát khuẩn (nhiều quy cách) 23.672 lít/tháng.

Một số khối lớp học có thể kéo dài năm học đến 30/6

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP - cho biết, ở bậc tiểu học, giáo viên được toàn quyền linh động, quyết định thời gian chia nội dung dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của chương trình.

Do đó, tùy thuộc vào năng lực của học sinh lớp mình, giáo viên tiểu học sẽ chủ động đề xuất về thời gian kết thúc năm học của lớp mình với ban giám hiệu nhà trường. 

Học sinh tiểu học ở TPHCM - Ảnh: H.HG

Học sinh tiểu học ở TPHCM - Ảnh: H.HG

Từ đề xuất của các đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất với UBND TP. Thời gian kết thúc năm học các khối lớp 1, 2, 3, 4 tối đa có thể kéo dài đến 30/6. Riêng học sinh lớp 5 tối đa sẽ kết thúc năm học vào ngày 10/6 (thời gian ấn định ban đầu là kết thúc vào cuối tháng 5)".

Với bậc THCS, THPT, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết sẽ không kéo dài thời gian năm học, trừ khối lớp 6. "Các trường THCS sẽ chủ động đề xuất, tối đa khối lớp 6 có thể sẽ kết thúc năm học vào ngày 15/6 thay vì cuối tháng 5 như trước đây", ông Hiếu nói thêm.

Tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình cho gần 1.000 học sinh

Sáng 4/4, Bộ Chỉ huy BĐBP TP phối hợp Sở văn hoá và Thể thao TP, UBND huyện Nhà Bè tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường cho học sinh trường THPT Long Thới. Thông tin trên Giáo dục và Thời đại.

Chương trình sân khấu hóa đã truyền tải nhiều nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho các em học sinh.

Chương trình sân khấu hóa đã truyền tải nhiều nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho các em học sinh.

Tại buổi tuyên truyền, thông qua hình thức sân khấu hóa đã truyền tải đến gần 1.000 em học sinh trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè những kiến thức pháp luật cơ bản về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường.

Thông qua hoạt động này nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, giúp các em học sinh nắm, hiểu, chấp hành, thực hiện và đấu tranh chống lại những hành động bạo lực vi phạm pháp luật.

Sôi động tour ngắn ngày dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Theo báo SGGP, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay được nghỉ 3 ngày liên tiếp, nên nhiều người có thời gian vui chơi, du lịch. Các tour ngắn ngày, đi về trong ngày khởi hành từ TPHCM đến Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh… đang “nóng” dần.

Song song đó, xu hướng du lịch cá nhân có đặt dịch vụ trước cũng gia tăng. Theo các hãng lữ hành tại TPHCM, lượng khách đặt tour năm nay tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. 

Du khách đạp xe tham quan huyện Cần Giờ

Du khách đạp xe tham quan huyện Cần Giờ

Mới đây, UBND TPHCM có văn bản thúc đẩy kế hoạch tổ chức chương trình thu hút du khách đến TPHCM, chủ đề mang tên “TPHCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”. Chiến dịch quảng bá triển khai từ tháng 4 đến giữa tháng 9/2022. Trong đó, tập trung truyền tải thông điệp thành phố thân thiện, đậm nét văn hóa, ẩm thực phong phú; nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ thân thiện, cởi mở của người dân đối với khách du lịch, gia tăng sức thu hút của điểm đến…

Cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên y tế lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một thông tin khác trên báo Vietnamplus, ngày 4/4, Công an TPHCM có thông tin cảnh báo tới người dân về thủ đoạn giả danh nhân viên y tế lợi dụng dịch COVID-19 gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Công an Thành phố cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tự xưng là nhân viên của Trung tâm kiểm soát dịch COVID-19 gọi điện thoại yêu cầu người bị dương tính với SARS-CoV-2 gặp mặt làm việc, đề nghị chuyển tiền để không bị đưa đi cách ly. Đây là thủ đoạn giả danh nhân viên y tế để hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. 

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Các đối tượng này sử dụng các số điện thoại di động và các đầu số không xác định (như +18444 1265410, +18445 3440501...). Cơ quan Công an đề nghị người dân khi gặp trường hợp này thì cần báo ngay cho Công an địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Công an TPHCM tiếp tục đề nghị người dân cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại lừa đảo qua điện thoại.

 

Tác giả: Nhóm BTV (tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây