Người lao động trên đường đi làm với tuyến đường và thời gian hợp lý mà bị tai nạn giao thông là một trong những điều kiện được hưởng chế độ BHXH. Cá nhân người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp sa thải lao động nữ trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản có thể bị phạt tiền từ 10 – 40 triệu đồng.
Người lao động bị tai nạn, ốm đau được hưởng chế độ ra sao?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 42 Văn bản hợp nhất số 2525 của BHXH Việt Nam quy định: “NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian không đóng thì NLĐ vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Theo điểm c khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định NLĐ trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà bị tai nạn và bị suy giảm khả năng lao động từ 5%… thì thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động.
Tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.
Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm cung cấp cho đoàn điều tra một trong các giấy tờ như: Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn; biên bản điều tra tai nạn giao thông. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của NLĐ hoặc thân nhân NLĐ…
Trong trường hợp nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho NLĐ theo quy định. Mức trợ cấp cho NLĐ bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính NLĐ gây ra là khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.
Sa thải lao động nữ đang nghỉ thai sản, xử phạt thế nào?
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn “bủa vây” vì thiếu đơn hàng, việc nghỉ thai sản trong thời gian dài đã trở thành nỗi băn khoăn của nhiều lao động nữ. Không ít người lo sợ sau khi nghỉ hết chế độ theo quy định họ có được bảo đảm việc làm, thu nhập như cũ hay không?
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Trong trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động. Lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản. Tại điểm i, khoản 2, Điều 28 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Nghị định số 12/2022/NĐ-CP) quy định về lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Vì vậy, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, cá nhân người sử dụng lao động sa thải lao động nữ đang nghỉ thai sản có thể bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng; còn doanh nghiệp sa thải lao động nữ đang nghỉ thai sản có thể bị xử phạt từ 20 – 40 triệu đồng theo các quy định nêu trên.
Với vai trò làm nhịp cầu nối, Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm rất mong cộng đồng doanh nghiệp hiểu và hoạt động kinh doanh luôn luôn thượng tôn pháp luật. Chúng tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi…
Văn Hải – Trần Danh/Nguồn TTLCC/TVPLO
Ý kiến bạn đọc