Vỡ nợ doanh nghiệp bất động sản: Có còn "giọt nước tràn ly"?

Thứ sáu - 06/01/2023 00:22
Bất chấp những nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc, Times China Holdings Ltd., nhà phát triển lớn thứ 51 nước này mới đây đã tuyên bố vỡ nợ.

Trường hợp vỡ nợ của Times China Holdings Ltd

Times China Holdings Ltd đã không thể thanh toán khoản lãi suất coupon với 2 loại trái phiếu trước khi thời gian ân hạn kết thúc trong tuần vừa qua, theo báo cáo của công ty trong một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Theo quy định dành cho một trong những trái phiếu USD của Times China thì một công ty được xem là vỡ nợ, nếu công ty không thể trả lãi trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm đáo hạn. 

BDS TQ

Liệu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ số trái phiếu USD trị giá kỷ lục vào năm ngoái, sẽ là đỉnh, còn các trường hợp như Times China Holdings Ltd chỉ là dư âm? Ảnh: Bloomberg

Đối với các chuyên gia và áp theo thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong một thời gian có thể xem là phá sản/ "vỡ nợ kỹ thuật". Trả lời phỏng vấn của Diễn Đàn Doanh Nghiệp mới đây, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Sài Gòn Phát Thịnh Ratings khẳng định là việc "phá sản kỹ thuật" không có nghĩa là doanh nghiệp "chết" hoàn toàn, mà là quy định cho phép “phá sản kỹ thuật” để doanh nghiệp làm lại. "Lưu ý rằng trên thị trường quốc tế thì doanh nghiệp phá sản không phải là “chết”, mà là phải tái cấu trúc, làm lại từ đầu", ông Minh nhấn mạnh.

Câu chuyện đáng bàn ở đây không phải là Times China Holdings Ltd vỡ nợ hoàn toàn hay phá sản kỹ thuật, bởi đối với thị trường Trung Quốc, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn đỉnh điểm rúng động là vụ "bom nợ" 300 tỷ USD China Evergrande Group tuyên bố "vỡ nợ giới hạn", kéo theo khủng hoảng nợ lan rộng cho đến nay, các trường hợp doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ đã không còn như những cú sốc đầu tiên. Hơn nữa, đến gần cuối 2022, trước tác động to lớn của đợt suy thoái thị trường đến không chỉ giá nhà, doanh số bán nhà mà cả hệ thống tài chính, chính phủ Trung Quốc đã có chính sách mở rộng chương trình tài trợ trái phiếu cho các công ty tư nhân bao gồm các công ty xây dựng nhà, mở rộng tài trợ nợ lên tới 250 tỷ Nhân dân tệ (34,5 tỷ USD) từ một số tiền không xác định trước đó, theo tuyên bố của Hiệp hội các nhà đầu tư định chế thị trường tài chính quốc gia của Trung Quốc (NAFMII). Sự hỗ trợ thanh khoản, trái phiếu doanh nghiệp thông qua ngân hàng và giải nút thắt cho các dự án mất khả năng phát triển tiếp để giao hàng, là dấu hiệu cho động thái hỗ trợ tiền tệ trực tiếp từ Bắc Kinh, cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng giảm bớt căng thẳng thanh khoản cho các nhà phát triển. Theo đó, các nhà phân tích dự đoán rằng rủi ro vỡ nợ sẽ giảm. 

Thế nhưng khi Times China Holdings Ltd báo cáo mất khả năng thanh toán, đồng nghĩa vỡ nợ như trên, thì điều đáng lo hơn được đặt ra là: Vì sao có sự hỗ trợ cho thị trường trái phiếu, nhà phát triển bất động sản lớn thứ 51 của quốc gia 1,5 tỷ dân vẫn không thể chứng thực đã có sự vực dậy niềm tin đối với các công ty tư nhân? Phải chăng do lực hỗ trợ chưa đủ mạnh, việc mua trái phiếu trực tiếp chưa thể giúp hay chưa thể hóa giải khó khăn khi nguồn vốn vay nợ cho nhiều công ty gần như cạn kiệt vì vỡ nợ và hoạt động kém hiệu quả một giai đoạn? Hay, khủng hoảng nợ đã lan quá rộng và việc hỗ trợ đã phần nào chậm trễ? Hoặc ở một câu hỏi khác: Phải chăng Times China Holdings Ltd chỉ là một trong số ít còn lại những doanh nghiệp đã không đáp ứng được các điều kiện để hỗ trợ và phải chấp nhận đi đến vỡ nợ?...

Có cần tâm lý sẵn sàng cho “phá sản kỹ thuật”  ở Việt Nam?

Ở Việt Nam trong những ngày qua, nhà đầu tư, người dân dường như đã bắt đầu “quen”, hay nói cách khác là bớt có hiệu ứng “sốc” với các thông tin doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trái phiếu đến hạn. VKC Holdings mất khả năng thanh toán lô trái phiếu 200 tỷ đồng từ cuối 2022. Angimex không đủ khả năng thanh toán lãi trái phiếu, phải bàn phương án xử lý mất cân đối vốn qua kế hoạch dự kiến là thanh lý tài sản, vay thêm tiền để trả lãi trái phiếu… đều là những trường hợp mà nhà đầu tư “nghe riết cũng quen”. 

Nỗi lo của các trái chủ vẫn thường trực và âm ỉ, nhưng làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn và các trái chủ chấp nhận thương thảo giãn, hoãn thanh toán là tín hiệu tốt cho thị trường. Ảnh minh họa

Gần nhất, một trường hợp thương thảo với trái chủ, dự kiến dời ngày thanh toán lãi và gốc lô trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai sang quý II/2023 với lý do nguồn tiền thanh toán là từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), mà theo HAG hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của Tập đoàn, cũng là một bước xử lí khôn khéo để tránh vướng vào “dây” không thanh toán (hoặc không thanh toán được) khoản lãi/ gốc trái phiếu. 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings cũng từng đề cập đến ứng phó của các doanh nghiệp với áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý I/ 2023, và cả năm 2023 cũng như 2024. Theo ông Thuân, một trong những hướng đi hợp lý là đàm phán thương thảo với các trái chủ, thậm chí không cần công bố tránh tác động tiêu cực đến thị trường. 

Ở phía nhà quản lý, “Yêu cầu các tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp có khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm…” cũng là một trong những nội dung công văn số 13234/BTC-VP mà Bộ Tài chính gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc triển khai công điện số 1163/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vào trung tuần tháng 12/2022. 

Có nghĩa rằng về một mặt nào đó, ghi nhận ở góc độ tâm lý chung trên thị trường, tuy những vấn đề của các trái chủ đã mua trái phiếu từ các doanh nghiệp bị khởi tố hiện vẫn chưa tìm được phương thức xử lý rốt ráo; thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung cũng chưa thực sự “ấm” trở lại; song tâm lý lo ngại, sợ hãi, mất niềm tin khi có thông tin doanh nghiệp A mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp B không trả lãi trái phiếu… đã không còn hiệu ứng như ở giai đoạn tháng 10-11 năm qua.

Một chuyên gia cho rằng trừ trường hợp có doanh nghiệp “too big too fail” - quá lớn để sụp đổ nhưng bỗng nhiên vẫn… sụp đổ, thì thị trường đã bắt đầu “bão hòa”, và chấp nhận dần trạng thái doanh nghiệp “phá sản/ vỡ nợ kỹ thuật”. Theo đó, sẽ khó có “giọt nước” nào có thể làm “tràn ly” sợ hãi dẫn đến fund run, bond -run như cách đây một thời gian.

“Đó là tin tốt đối với thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung trong năm 2023 này”, chuyên gia nói. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh không loại trừ nếu trạng thái "đóng băng" của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kéo dài quá lâu mà không có giải pháp làm tan băng hiệu quả và sớm, thì tác hại dẫn tới vẫn có nguy cơ "hiệu ứng domino" khi có nhiều doanh nghiệp cùng mất khả năng thanh toán xảy ra, như vậy sẽ mang đến hệ quả xấu khó lường. "Do đó, rất kỳ vọng ngay đầu năm, các cơ quan quản lý sẽ có phương án để tháo gỡ tình trạng hiện nay, hỗ trợ doanh nghiệp".

Tác giả: Admin, LÊ MỸ 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây