Từng ào ạt lao vào thị trường, 'cò đất' giờ nháo nhác tìm việc mưu sinh

Thứ tư - 03/08/2022 00:57
Từng ồ ạt bỏ nghề để lao vào làm "cò đất", nuôi giấc mộng đổi đời, nay khi thị trường đóng băng, nhiều môi giới bất động sản lại nháo nhác kiếm việc mưu sinh.

Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản sốt xình xịch từ Bắc vào Nam khiến nhà nhà đổ xô đi buôn đất, người người bỏ nghề để đi làm môi giới bất động sản - một nghề được coi là có thể "hốt" tới hàng trăm triệu đồng sau mỗi "phi vụ" mua bán đất.

Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ thì hàng nghìn môi giới đã phải gác lại giấc mộng đổi đời, tìm kiếm nghề khác để mưu sinh.

dat 2 13125172
Nhiều môi giới bất động sản gặp khó khi thị trường đóng băng. (Ảnh minh họa: Internet)

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (Thanh Trì, Hà Nội) kể, cuối năm 2019, dù đang làm việc ổn định với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng nhưng thấy thị trường bất động sản lên cơn sốt, lại được một người bạn rủ rê, chị quyết định nghỉ việc, chuyển sang làm môi giới cho một sàn bất động sản có tiếng ở Hà Nội.

Bước vào nghề đúng thời điểm thị trường sôi động, thời gian đầu, đội môi giới của chị Hương liên tục chốt được các lô đất nền ở Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín.. nên thu nhập có lúc lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. Đặc biệt, chị Hương do xinh xắn, khéo léo, rất được lòng khách hàng nên dễ dàng móc nối quan hệ để hưởng những giao dịch riêng.

Đang trong lúc thăng hoa thì từ hơn 3 tháng nay, thị trường dứt sốt và trở về với giá trị thực, thậm chí là đóng băng trước sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc siết chặt tín dụng đầu tư bất động sản; quản lý và thu thuế bất động sản; dừng phân lô, tách thửa, không cho chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở…

“Khách hầu như không có, giao dịch đóng băng. Đất không bán được, không có thu nhập, trong khi chúng tôi vẫn phải bỏ tiền ra để chạy quảng cáo, đăng tin, tìm cách săn lùng khách hàng khiến chúng tôi hết sức chán chường. Thời gian này tôi chỉ ra văn phòng cho có, chứ biết ra cũng chẳng có khách như trước. Họa hoằn lắm cũng có vài nhà đầu tư đến nhờ đưa đi xem, nhưng họ tính toán giá kỹ lắm, chả trông mong được nhiều. Sau nhiều tháng cầm cự, biết là không trụ được với nghề, tôi đã phải bỏ công việc này để đi bán hàng online”, chị Hương than thở.

Cũng giống chị Hương, anh Trần Thế Duy (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng từng bỏ nghề sửa chữa ô tô vốn theo đuổi hàng chục năm để chuyên tâm đầu tư kiêm môi giới bất động sản. Theo chia sẻ của anh Duy, kể từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022 anh mua đi bán lại 6 lô cũng lãi được gần 2 tỷ cộng với khoản hoa hồng môi giới vài trăm triệu. Như vậy, tính ra thu nhập mỗi tháng của của anh Duy cũng lên đến vài trăm triệu.


Thừa thắng xông lên với một ít vốn liếng và kinh nghiệm có được sau thời gian làm môi giới và nhà đầu tư, anh Duy mạnh dạn vay mượn người thân và ngân hàng tiếp tục đầu tư 2 lô đất tại Tứ Hiệp (Thanh Trì) và thị trấn Quang Minh (Mê Linh) với tổng số vốn lên đến gần 7,3 tỷ đồng.

“Tôi không thể ngờ tiền của chôn hết vào đất, còn đất thì không bán được. Nay ngoài số tiền vay mượn người thân và tích cóp được, tôi phải còng lưng trả lãi ngân hàng hơn 2,5 tỷ đồng. Để đẩy nhanh 2 lô đất này, tôi phải chấp nhận bán cắt lỗ hơn 3 triệu đồng/m2, nhờ cả những người bạn cùng làm môi giới giới thiệu từ vài tháng nay mà không một người hỏi. Câu nói “làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất” rất đúng với lúc thị trường sốt. Nhưng khi cơn sốt qua đi, nếu ai không nhanh chân rút thì khốn khổ, thậm chí vỡ nợ. Nay việc cũ thì chưa dám quay lại xin vì đã có lúc mình thể hiện thái quá với đồng nghiệp, đất đã đầu tư thì mắc kẹt, để duy trì cuộc sống tôi đã phải đầu quân vào đội xe ôm công nghệ”, anh Duy nói.

Còn anh Lê Quang Đôn (Thạch Thất, Hà Nội) cách đây 2 năm đã quyết định bỏ công việc văn phòng với thu nhập 10 triệu đồng, chuyển sang làm môi giới bất động sản. Thời điểm này, giá đất tại đây đang bước vào kỳ tăng vọt vì có thông tin dự án của tập đoàn lớn sắp triển khai ở đây.

Để có vốn, anh Đôn bàn với gia đình bán mảnh đất vườn và vay thêm họ hàng. Rồi anh dùng số tiền gom được mua 2 lô đất mặt đường thôn 2 và thôn 7 Tân Xã, Thạch Thất để chờ tăng giá rồi bán. Sau đó, anh Đôn cũng nhanh chóng chuyển nhượng được 2 mảnh đất.

Thấy hời, anh quyết định “chơi lớn”, dùng toàn bộ số tiền bán đất để đầu tư vào một lô đất lớn ở khu vực gần Đại học Quốc gia tại Hoà Lạc. Tuy nhiên, lần đầu tư này của anh Đôn lại không thành công như mong đợi. Bởi hồi cuối tháng 3, Hà Nội ra quyết định dừng phân lô, tách thửa đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lô đất của anh rút lui.

“Đã 4 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa chuyển nhượng được lô đất ấy, lãi suất ngân hàng thì ngày càng tăng cao, nếu tình hình này kéo dài chắc tôi phải bán tháo lô đất ấy rồi tìm nghề khác để duy trì cuộc sống. Nhưng sợ rằng không có ai dám mua ở khu vực Hòa Lạc lúc này”, anh Đôn nói.

Từng ào ạt lao vào thị trường, 'cò đất' giờ nháo nhác tìm việc mưu sinh - 2
Thị trường bất động sản đang bắt đầu bước vào thời kì “hạ nhiệt” khi khắp nơi xuất hiện biển rao bán nhà, đất với mức giá “cắt lỗ”. (Ảnh minh hoạ)

Không thể phủ nhận đất đai là một loại hình đầu tư sinh lời đáng kể, để không cũng tăng giá trị. Bởi lý do này mà nhiều người đổ xô đi buôn đất, canh thời điểm để đầu tư, kiếm lời. Nhưng khi thị trường hạ nhiệt cũng là lúc không ít người phải ngậm ngùi rời bỏ thị trường, nhà đầu tư cũng có và môi giới cũng có.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản hiện nay đang "đứng hình". Tức là thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm theo đúng giá trị thực. Tình cảnh này khiến những người ôm đất như ngồi trên đống lửa vì nợ nần hối thúc, nguy cơ vỡ nợ, trắng tay là điều rất dễ xảy ra. Đi theo đó, chắc chắn sẽ còn một lượng lớn môi giới bất động sản nữa tiếp tục bỏ nghề để tìm việc mới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc ôm đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Vì thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh chôn tiền vào đất”, ông Đính nói.

 

Tác giả: Admin, PHẠM DUY

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây