Muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì phải đợi kế hoạch sử dụng đất hằng năm được phê duyệt nhưng kế hoạch này thì luôn trễ khiến người dân chờ đợi mỏi mòn...
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp huyện phải lập kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) hằng năm để làm cơ sở giải quyết nhu cầu chuyển mục đích (CMĐ) SDĐ, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. KHSDĐ của năm sau phải được phê duyệt trước ngày 31-12 của năm trước.
Khu đất chờ chuyển mục đích của gia đình ông Nguyễn Văn Chu ở ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, |
Tuy nhiên, thực tế KHSDĐ hằng năm luôn được duyệt rất trễ khiến người dân phải chờ đợi cả năm mới có thể làm hồ sơ CMĐSDĐ. Bức xúc này của người dân đã kéo dài nhiều năm qua tại TP.HCM.
Dân chờ mòn mỏi
Ông Nguyễn Văn Chu ở ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có hơn 1.600 m2 đất trồng cây lâu năm ở xã này. Gia đình có bốn người con đều đã lập gia đình, tổng cộng vợ chồng ông cùng con, cháu, dâu, rể cũng hơn 20 người đang ở chung một nhà.
Nhận được thông báo của UBND xã Vĩnh Lộc B về việc đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ, tháng 12-2021, ông Chu vội đến xã đăng ký được chuyển sang đất ở để cất nhà ra riêng cho các con. Nghĩ là đăng ký cuối năm thì đầu năm sẽ được giải quyết CMĐSDĐ nhưng phải chờ 10 tháng sau (tháng 10-2022) thì ông Chu mới biết KHSDĐ của huyện vừa được phê duyệt.
“Gia đình đông con, hàng chục người gồm người lớn, trẻ em ở chung một nhà rất chật chội và bất tiện. Huyện đã có KHSDĐ rồi, chúng tôi sẽ chuẩn bị hồ sơ để đến huyện xin CMĐSDĐ, mong muốn sớm được giải quyết để có đất ở, làm thủ tục cất nhà cho các con” - ông Chu nói.
Tương tự, ông Châu Kiến Như có 500 m2 đất trồng cây hằng năm tại ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Là đất nông nghiệp nhưng ở trong khu vực đông dân cư, không thể sản xuất nông nghiệp nên ông Như tính chuyển sang đất ở để xây nhà cho thuê hoặc làm nhà xưởng với MĐSDĐ hiệu quả hơn.
“Có nhiều lý do khiến cho KHSDĐ của huyện bị chậm phê duyệt. Một trong những lý do đó là đối với các dự án đầu tư công thì đều phải được ghi vốn mới được đưa vào KHSDĐ hằng năm.”Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh
Tháng 12-2021, ông Như đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ tại UBND xã Vĩnh Lộc B và cũng phải chờ gần một năm thì KHSDĐ của huyện mới được duyệt.
Ông Như cho rằng Nhà nước đã cấp quyền SDĐ cho người dân và người dân có toàn quyền quyết định tài sản của mình. Nhưng khi Nhà nước buộc người dân phải đăng ký mới được CMĐSDĐ là hạn chế quyền lợi của người dân. Vì với mỗi người dân, hôm nay có thể bình thường nhưng ngày mai đã có thể xảy ra chuyện để phát sinh nhu cầu phải dùng tài sản là quyền SDĐ của mình để giải quyết.
Kế hoạch 2022 chưa duyệt đã phải tất bật làm kế hoạch cho 2023
Theo UBND xã Vĩnh Lộc B, từ đầu tháng 8, xã này đã nhận được kế hoạch triển khai lập KHSDĐ cho năm 2023 của huyện Bình Chánh. Ngay khi có kế hoạch của huyện, xã này đã thông báo đến người dân bằng nhiều phương thức như loa phát thanh, gửi thông báo trong nhóm Zalo của xã và các ấp dân phố rồi các ấp thông báo trực tiếp cho người dân.
Theo kế hoạch của huyện Bình Chánh, 16 xã, thị trấn của huyện sẽ phải hoàn thành việc tổng hợp thông tin nhu cầu đăng ký CMĐSDĐ của hộ gia đình, cá nhân thành hai đợt là ngày 30-8 và 30-9 để chuyển về huyện. Đầu tháng 10, huyện Bình Chánh phát văn bản xuống các địa phương nới thêm thời hạn đến ngày 5-10 để người dân đăng ký thêm.
Xã Vĩnh Lộc B cho biết hiện nay xã này đã tổng hợp xong danh sách để gửi về huyện. Trường hợp người dân đến đăng ký muộn, xã vẫn tiếp nhận và đưa vào danh sách đăng ký của năm 2024.
Danh sách đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ năm 2023 của người dân xã Vĩnh Lộc A vừa được làm xong thì cũng là lúc KHSDĐ năm 2022 của toàn huyện mới được phê duyệt. Nghĩa là người dân đăng ký CMĐSDĐ trong năm 2022 đến thời điểm này mới có thể làm hồ sơ CMĐSDĐ theo nhu cầu đã đăng ký từ một năm trước đó.
Theo huyện Bình Chánh, dù KHSDĐ năm 2022 của huyện Bình Chánh chưa được phê duyệt nhưng đầu tháng 8-2022, huyện này đã phải ban hành kế hoạch triển khai công tác lập KHSDĐ cho năm 2023 về cho 16 xã, thị trấn và các phòng ban liên quan để thực hiện.
Theo kế hoạch này, huyện Bình Chánh có khoảng ba tháng để hoàn thành một khối lượng công việc “khủng” với danh sách đầu việc dài dằng dặc. Từ tổng hợp nhu cầu CMĐSDĐ dựa theo đơn đăng ký của người dân, lập danh mục các dự án quá ba năm không triển khai và phân tích, đánh giá khả năng thực hiện; danh mục các dự án có SDĐ lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; lập và trình phương án, dự toán, tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn…
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh, cho biết có nhiều lý do khiến cho KHSDĐ của huyện bị chậm phê duyệt. Một trong những lý do đó là đối với các dự án đầu tư công thì đều phải được ghi vốn mới được đưa vào KHSDĐ hằng năm.
“Thông thường hằng năm khoảng từ tháng 10 đến tháng 12, sau kỳ họp HĐND mới thông qua vốn cho các dự án. Sau khi có vốn thì huyện mới có thể cập nhật các dự án đầu tư công vào KHSDĐ hằng năm. Dự án có trong KHSDĐ thì mới có cơ sở để thu hồi đất, giao đất và CMĐSDĐ” - bà Thảo cho biết.
Ý kiến bạn đọc