Tố cáo và Tố giác tội phạm khác nhau thế nào?

Thứ ba - 19/07/2022 01:42
Trung tâm tư vấn Pháp luật tại TP.HCM xin chia sẻ một số thông tin để phân biệt về vấn đề "Tố cáo và Tố giác tôi phạm" để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Tố cáo là việc công dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền biết về hành vi này. Còn công dân chỉ tố giác khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự 2015...

To cao va to giac Dung nham lan giua hai khai niem

1/ Khái niệm

a. Tố cáo:

Theo từ điển Tiếng Việt, Tố cáo là “Báo cho mọi người hoặc cơ quan có thẩm quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó”“Vạch trần hành động xấu xa, phạm pháp hay tội ác trước cơ quan có thẩm quyền hoặc trước dư luận”...

Trên khía cạnh pháp lý, Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 giải thích:

“1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

(a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

(b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:

(a) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

(b) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

(c) Cơ quan, tổ chức.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.”

b. Tố giác:

Từ điển Tiếng Việt đã khái niệm Tố giác là việc “Báo cho cơ quan chính quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó”.

Trên khía cạnh pháp lý, Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tố giác như sau:

“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

Từ khái niệm trên cho thấy: Tố cáo và Tố giác về tội phạm có những điểm khác biệt nhất.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.

Còn Tố giác về tội phạm chỉ bao gồm hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu Tố giác về tội phạm là tố cáo hành vi phạm tội, nếu hiểu theo cách này thì nội hàm khái niệm tố cáo đã bao hàm cả khái niệm tố giác về tội phạm. Do đó, có thể nói, khái niệm tố cáo rộng hơn và cơ bản đã bao hàm cả khái niệm tố giác về tội phạm theo Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điểm khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm này là: Tố cáo là quyền của công dân, còn Tố giác về tội phạm vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Quan hệ pháp luật về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật chỉ phát sinh sau khi công dân thực hiện quyền tố cáo, còn quan hệ pháp luật tố giác về tội phạm thì phát sinh ngay khi công dân biết về tội phạm. Công dân có quyền quyết định việc mình sẽ tố cáo hay không một hành vi vi phạm pháp luật, nhưng bắt buộc phải tố giác nếu đã biết rõ về một tội phạm đang chuẩn bị hoặc đã được thực hiện. Công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: "Không tố giác tội phạm” theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu biết mà không tố giác tội phạm.

Sự khác biệt này có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý rất khác nhau, Tố cáo chỉ phát sinh quan hệ pháp lý khi công dân trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Còn Tố giác tội phạm trong một số trường hợp phát sinh quan hệ pháp lý ngay từ thời điểm tội phạm xảy ra.

2. Chủ thể Tố cáo và Tố giác

- Chủ thể Tố cáo là cá nhân, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, người bị tố cáo cũng phải có tên tuổi, địa chỉ, nội dung tố cáo phải chỉ rõ hành vi bị tố cáo.

Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, trường hợp tố cáo sai sự thật (vu khống) thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự; việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp.

- Chủ thể của Tố giác là cá nhân, chủ thể này cho rằng có một sự kiện vi phạm pháp luật đã hoặc sẽ xảy ra ngoài xã hội có dấu hiệu tội phạm, là một hình thức cung cấp nguồn tin, dấu hiệu hay sự việc vi phạm pháp luật bằng cách báo cho cơ quan Nhà nước xem xét, làm rõ.

Tố giác tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản; hành vi bị tố giác tội phạm phải được quy định trong Bộ luật Hình sự. Pháp luật hiện hành cũng đặt ra trách nhiệm của người tố giác đối với nội dung tố giác. Nếu cố ý tố giác sai sự thật thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những điểm giống nhau giữa tố cáo và tố giác tội phạm.

3. Đối tượng của Tố cáo và Tố giác

- Đối tượng của Tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.

- Đối tượng của Tố giác về tội phạm chỉ có hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm.

Phải có “Có dấu hiệu tội phạm” theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với tội phạm tương ứng thì sử dụng đơn tố giác tội phạm sẽ chính xác hơn. Trong khi đó chỉ cần phát hiện hành vi vi phạm pháp luật dù thuộc lĩnh vực dân sự hay hành chính thì đã có thể tố cáo được.

- Việc phân loại, xử lý, giải quyết:

+ Tố cáo phải tuân theo trình tự, thủ tục do Luật Tố cáo và các quy phạm pháp luật liên quan.

+ Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.

4. Về thời hạn giải quyết tố cáo và tố giác

- Thời hạn giải quyết Tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

- Về thời hạn giải quyết Tố giác, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc Viện Kiểm sát có thể gia hạn một lần (nhưng cũng không quá 2 tháng).

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13;

Luật Tố cáo số 25/2018/QH14;

 BẢNG SO SÁNH PHÂN BIỆT TỐ CÁO VÀ TỐ GIÁC TỘI PHẠM

Tiêu chí Tố cáo Tố giác
Cơ sở pháp lý Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015
Khái niệm “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

 

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ’

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực;”

“Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”
Chủ thể thực hiện Chủ thể tố cáo là cá nhân, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, người bị tố cáo cũng phải có tên tuổi, địa chỉ, nội dung tố cáo phải chỉ rõ hành vi bị tố cáo. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, trường hợp tố cáo sai sự thật (vu khống) thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự; việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp Chủ thể thực hiện tố giác phải là người phát hiện, có thể là bị hại hoặc người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra. Tố giác là một hình thức cung cấp nguồn tin, dấu hiệu hay sự việc vi phạm pháp luật bằng cách báo cho cơ quan Nhà nước xem xét, làm rõ. Tố giác tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản; hành vi bị tố giác tội phạm phải được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 

 

Hành vi vi phạm Tố cáo không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm pháp luật trong hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm Có thể cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Thời điểm phát sinh Sau khi công dân thực hiện quyền tố cáo. Mỗi công dân có quyền lựa chọn tố cáo hay không tố cáo một hành vi vi phạm bất kỳ Thời điểm phát sinh ngay khi công dân biết về tội phạm (khi tội phạm xảy ra). Đối với tố giác thì công dân bắt buộc phải tố giác nếu biết rõ về một tội phạm. Không có sự lựa chọn tố giác hay không tố giác
Phân loại, xử lý, giải quyết Tố cáo phải tuân theo trình tự, thủ tục do Luật Tố cáo và các quy phạm được quy định tại các luật, bộ luật (tố cáo trong lĩnh vực hình sự áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư 02/2005 để giải quyết) Việc giải quyết tố giác về tội phạm phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư 06/2013.
Thời hạn giải quyết Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Thời hạn giải quyết tố giác, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc Viện Kiểm sát có thể gia hạn một lần (nhưng cũng không quá 2 tháng).
Hậu quả pháp lý Nếu công dân khi biết về hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác mà không tố cáo cho cơ quan nhà nước, cá nhân khác thì họ cũng không phải chịu bất kỳ hình thức xử lý nào. Tố cáo là quyền của công dân Khi công dân biết rõ về một tội phạm đang chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện phạm tội hoặc đã thực hiện mà không tố giác người phạm tội đó với cơ quan có thẩm quyền thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “không tố giác tội phạm”. Tố giác tội phạm vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân.
Tác giả: Admin, Luật gia NGUYỄN ĐỨC HẢI - Trưởng Ban Truyền thông Pháp luật - Trung tâm tư vấn Pháp luật tại TP.HCM

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây