Những trường hợp được tiến hành hòa giải và không được hòa giải

Thứ ba - 29/03/2022 23:12
Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định rõ những trường hợp được tiến hành hòa giải và những trường hợp không được tiến hành hòa giải...

Luật Hòa giải ở cơ sở quy định, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

Ảnh minh hoạ

Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định rõ những trường hợp được tiến hành hòa giải và những trường hợp không được tiến hành hòa giải. Cụ thể:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

- Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

Ví dụ: Nhà ông A và nhà bà B ở cùng khu tập thể. Nhà ông A ở tầng 1, bà B ở tầng 5. Bà B có trồng mấy chậu hoa ở ban công. Mỗi khi bà tưới hoa, nước lại chảy từ các chậu cây xuống nhà ông A. Mặc dù ông A đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng bà B không tiếp thu, vẫn để nước chảy xuống nhà ông A. Giữa hai bên thường xuyên to tiếng, cãi vã nhau vì chuyện này, gây mất trật tự trong khu tập thể.

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

Ví dụ: Ông C có 5 người con, 2 trai và 3 gái. Ông C mất đột ngột không kịp để lại di chúc chia tài sản cho các con. Sau khi lo hậu sự cho bố xong, 5 người con của ông C không thống nhất được việc chia tài sản thừa kế của C nên nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha, mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn.

Ví dụ: Bà H đã ngoài 70 tuổi, sống với vợ chồng anh P (là con trai cả). Tuy nhiên, do vợ anh P thường nói hỗn và đối xử không tốt với bà H nên cô L, con gái bà H muốn đón bà về ở với vợ chồng cô. Khi cô L tới nói chuyện thì vợ chồng anh P đã phản đối rất gay gắt, họ cho rằng cô L đón bà về nuôi là mong sau này bà để lại thừa kế ngôi nhà mà vợ chồng anh đang ở. Vợ anh P còn khoá trái cửa buồng bà H lại, không cho bà ra ngoài gặp con gái. Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh P và cô L ngày càng gay gắt.

Đối với việc ly hôn, hoà giải viên thực hiện việc hoà giải, giúp đôi vợ, chồng tự hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà không được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn: cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính:

Hoà giải viên thực hiện hoà giải những việc như trộm cắp vặt (rau, quả trong vườn, một số đồ dùng sinh hoạt có giá trị không lớn), đánh, chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ, lừa đảo, đánh bạc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.

- Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây thì hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, cụ thể là:

+ Trường hợp không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hòa giải viên được tiến hành hòa giải đối với vi phạm pháp luật hình sự mà không bị khởi tố vụ án do có một trong các căn cứ như hành vi không cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự[1]; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226[2] của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ví dụ: H – 12 tuổi có hành vi trộm cắp điện thoại di động của ông B, vì H có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng H chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên thuộc trường hợp không bị khởi tố hình sự, hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải vụ, việc này.

+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn[3] hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính[4].

- Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

b) Các trường hợp không hòa giải

Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, các trường hợp sau đây không hòa giải:

- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; đó là các mâu thuẫn, tranh chấp làm tổn hại đến lợi ích chung của Nhà nước, của cộng đồng. Ví dụ: Các mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm, lấn chiếm đất công, tranh chấp về sử dụng trái phép công trình công cộng…

- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải, cụ thể là:

+ Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, ví dụ như kết hôn trái pháp luật[5] thì hòa giải viên không được hòa giải để các bên tự giải quyết, duy trì quan hệ hôn nhân và gia đình trái pháp luật đó. Thẩm quyền xem xét, quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật thuộc về Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự.

+ Giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội (ví dụ như các giao dịch mua bán chất ma túy, mại dâm…) thì không được hòa giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện giao dịch đó. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính (bao gồm: bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính), trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;

- Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động, việc hòa giải các tranh chấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và lao động.

Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cũng quy định về việc hướng dẫn xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn giải quyết trường hợp các vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, theo đó, trong trường hợp chưa xác định được vụ, việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn (Điều 7).

Trong trường hợp xác định vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải theo quy định tại Điều 3 của Luật Hòa giải ở cơ sở và Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì hòa giải viên giải thích cho các bên về lý do không hòa giải và hướng dẫn các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết (Điều 6 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP)./.

[1] Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

 

[2] Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139); Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226).

[3] Theo Điều 90 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với các đối tượng sau: (i) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; (ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; (iii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (iv) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; (v) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

[4] Theo Điều 138 của Luật xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm: Nhắc nhở và quản lý tại gia đình. Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo; Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này khi có đủ các điều kiện: Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

[5] Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm các điều kiện kết hôn, như: nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn (nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi); việc kết hôn do một hoặc cả hai bên bị ép buộc, không tự nguyện; việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như: kết hôn giả tạo; bị lừa dối kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ; kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riên của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

 

 

 
Tác giả: Theo tuphap.hatinh.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


vietcombank_r
vietcombank_r
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây